T.Ư Hội CCB Việt Nam lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Thể hiện tinh thần trách nhiệm cao (28/03/2013)
1- Về tên gọi của Hiến pháp
Một số ý kiến đề nghị nên gọi là “Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 (nếu Hiến pháp được thông qua trong năm nay)”.
2- Về Lời nói đầu
-
Một số ý kiến cho rằng nội dung đoạn 2 chỉ ghi “… Nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế…” là chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm cụm từ “chiến tranh giải phóng dân tộc” vì chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khác với chiến tranh giải phóng dân tộc. Có như vậy mới phản ánh đúng truyền thống, lịch sử của dân tộc ta. Nội dung đoạn này cần viết lại như sau “… Nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế…” .
-
Một số ý kiến cho rằng Lời nói đầu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng làm cơ sở để quy định nội dung của Hiến pháp nên cần phải đầu tư viết khái quát hơn, đồng thời cần khẳng định rõ chủ thể xây dựng Hiến pháp là nhân dân.
-
Một số ý kiến đề nghị phải xác định rõ ai là chủ thể xây dựng Hiến pháp: Quốc hội hay nhân dân. Nếu là nhân dân thì cần sửa Điều 74 và Điều 75 theo hướng không trao quyền làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp cho Quốc hội và Điều 124 quy định về việc làm Hiến pháp; đồng thời cần ghi nhận quyền phúc quyết của nhân dân.
-
Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “ra đời” bằng cụm từ “khai sinh” hoặc “thành lập” nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ thể nên viết như sau “... Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
3- Về Chương 1 “Chế độ chính trị”
Điều 1:
Một số ý kiến đề nghị chuyển hai từ “độc lập” lên trên “dân chủ”. Cụ thể: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền…”. Vì nước phải có độc lập thì mới thực hiện được dân chủ.
Điều 4:
-
Nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung nội dung khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
-
Có ý kiến đề nghị trên cơ sở Điều 4 xây dựng thành 1 chương về Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung chương này gồm các điều quy định về vị trí, vai trò, tôn chỉ, mục đích của Đảng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, cơ chế lãnh đạo và trách nhiệm của Đảng. quan hệ giữa Đảng với nhân dân…
-
Có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm khoản quy định tổ chức và hoạt động của các tổ chức của Đảng và đảng viên do luật định. Sau khi có Hiến pháp sẽ tiến hành xây dựng Luật về Đảng.
-
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Khoản 3 điều này như sau: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; thực hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trước nhân dân”.
Điều 5:
-
Một số ý kiến đề nghị thêm cụm từ “phân biệt” vào khoản 2 như sau: “… Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt, chia rẽ dân tộc”;
-
Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “thiểu số” ở khoản 4 và viết lại như sau: “Nhà nước… tạo điều kiện để tất cả các dân tộc phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”.
Điều 9:
-
Nhiều ý kiến cho rằng đoạn 2 Điều 9 của Dự thảo không xác định các tổ chức chính trị-xã hội là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân là không thể hiện được vị trí, vai trò của các tổ chức này trong hệ thống chính trị, đồng thời sẽ phát sinh vướng mắc, nhận thức khác nhau trong thực tiễn áp dụng. Bởi khái niệm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” không thể hàm chứa đầy đủ khái niệm của các tổ chức chính trị - xã hội như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB. Đề nghị bổ sung vào đoạn này theo hướng xác định rõ các tổ chức chính trị - xã hội là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
-
Có ý kiến cho rằng đoạn 2 của điều này quy định "MTTQ Việt Nam cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân..." là chưa đầy đủ vì MTTQ phải có nhiệm vụ cùng Nhà nước bảo vệ các quyền của nhân dân đó được hiến định. Đề nghị sửa đổi, bổ sung câu này như sau: "MTTQ cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân..."';
-
Một số ý kiến đề nghị cần ghi rõ giám sát ai? Phản biện gì? Dự thảo viết “...Giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức” là không chuẩn xác vì đối tượng giám sát khác với đối tượng phản biện. Đề nghị tách riêng 2 quyền này như sau: giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức; phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân.
-
Đoạn 3 điều này quy định "Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả" là chưa đầy đủ, chặt chẽ, không khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng Nhà nước phải đảm bảo cho MTTQ và các thành viên của Mặt trận hoạt động, đồng thời cần căn cứ vào đoạn 4, Mục 3, Phần IV của Cương lĩnh để sửa đổi, bổ sung đoạn này. Cụ thể cần sửa đổi, bổ sung như sau: "Nhà nước luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các thành viên Mặt trận; có cơ chế, chính sách đảm bảo để MTTQ và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội".
Điều 10:
-
Nhiều ý kiến cho rằng trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay có 5 tổ chức chính trị - xã hội, đó là: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội CCB. Những tổ chức này là những thành viên của MTTQ Việt Nam có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta. Vai trò, tổ chức và hoạt động của 5 tổ chức này đã được ghi nhận trong nhiều nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Song trong Điều 10 của Dự thảo chỉ quy định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn, các tổ chức chính trị-xã hội khác không được quy định. Việc quy định như vậy trong đạo luật cơ bản của Nhà nước sẽ phát sinh nhận thức, quan điểm cho rằng Nhà nước coi trọng tổ chức Công đoàn hơn các tổ chức chính trị - xã hội khác. Hơn nữa, thiếu quy định có tính nguyên tắc trong Hiến pháp không tạo được khung pháp lý để xây dựng các đạo luật khác quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội CCB. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Dự thảo theo hướng quy định chung về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tất cả 5 tổ chức chính trị - xã hội hiện nay.
-
Một số ý kiến đề nghị bỏ Điều 10 của Dự thảo vì Công đoàn có quy định riêng thì các tổ chức chính trị khác cũng phải có quy định, và như vậy Hiến pháp sẽ dài. Mặt khác, Công đoàn là thành viên của Mặt trận cũng đã được quy định chung trong Điều 9.
(Còn nữa)