T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2025

Thượng trướng Bế Xuân Trường phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ngày 20-5, T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2025. Thượng tướng Bế Xuân Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Thượng tướng Phạm Hồng Hương - Phó chủ tịch Hội và toàn thể cán bộ,chuyên viên, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại Cơ quan T.Ư Hội.

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng ban Kiểm tra - Pháp luật khẳng định, việc tham gia góp ý vào sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân trong đó có sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên CCB, là dịp để Hội CCB Việt Nam phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thông qua việc góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, để chúng ta hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và những nội dung sửa đổi Hiến pháp.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp dù ở phạm vi, quy mô nào cũng là một công việc rất hệ trọng, rất thiêng liêng. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhấn mạnh, theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, góp ý với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013, trọng tâm liên quan đến việc bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQViệt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, tính chất "liên minh chính trị", "liên hiệp tự nguyện" là tính chất rất ưu việt, riêng có của MTTQViệt Nam, vì vậy tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp “trực thuộc” MTTQ Việt Nam, “dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” như trong Điều 10 là không phù hợp với mối quan hệ và bản chất của các tổ chức này. Bên cạnh đó, cần bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của MTTQViệt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, có tính độc lập tương đối.

Điều 84, Khoản 1 trong Dự thảo Nghị quyết quy định thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh do MTTQ Việt Nam trình. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn, đó là “cơ quan T.Ư của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thượng trướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự giác tuân thủ, thực hiện sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Cũng tạiHội nghị, đồng chí Chủ tịch Hội thông báo thêm một số tình hình trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Hồ Hương