Công ty CCB T.P Hồ Chí Minh trao 100 triệu đồng, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Phạm Thị Ngâu và ông Nguyễn Văn Tâm là 2 hộ gia đình chính sách xã Bình Lợi.

Hơn 40 năm qua, sau ngày giải phóng 30-4-1975, cùng với khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế, công tác chăm sóc Người có công (NCC), thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”  luôn luôn được được Đảng bộ, chính quyền T.P Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: “Tiềm lực kinh tế T.P hơn 40 năm qua không ngừng lớn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao được duy trì một thời gian dài cùng với chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Đặc biệt TP đảm bảo 100% hộ chính sách, NCC có mức thu nhập bằng hoặc cao hơn mức thu nhập bình quân của hộ dân cùng nơi cư trú, không còn hộ nghèo thuộc diện này...”.

T.P Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng phong trào xây nhà tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo cùng nhiều phong trào xã hội khác có hiệu quả sâu rộng; được nghiên cứu, nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành cả nước. Khởi nguồn của phong trào “xây nhà tình nghĩa” chính ở “vùng đất thép Củ Chi”, một trong những huyện nghèo và có đông đối tượng chính sách nhất của T.P. Cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các đoàn thể vận động nhân dân ủng hộ, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo cho các gia đình chính sách”. Hưởng ứng cuộc vận động, tháng 2-1982, Công ty Sửa chữa nhà thành phố là đơn vị đầu tiên đã xây “Nhà tình nghĩa” tặng vợ chồng thương binh hạng 1/4 Đào Văn Của và Nguyễn Thị Tuyết ở ấp Phước Hoà, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi.

Sau căn nhà tình nghĩa đầu tiên ấy, mỗi năm trên địa bàn T.P Hồ Chí Minh có thêm hàng trăm ngôi nhà mới cho các gia đình chính sách và việc này được đẩy lên thành phong trào cho cả nước noi theo. Chỉ tính riêng năm 2018, UBND các quận, huyện rà soát hiện trạng nhà ở của đối tượng NCC với cách mạng, vận động xây mới 22 căn nhà tình nghĩa, 57 căn nhà tình thương, sửa chữa 126 căn nhà với tổng kinh phí trên 7,1 tỷ đồng.

Không chỉ có thành tích trong hỗ trợ NCC về nhà ở, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn còn tổ chức vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 11,2 tỷ đồng; vận động các cơ quan, đơn vị tặng 159 sổ tiết kiệm với số tiền trên 260 triệu đồng. Ngoài ra còn vận động đỡ đầu cho 93 đối tượng với số tiền trợ cấp trên 495 triệu đồng; trợ cấp khó khăn cho 476 NCC với cách mạng với tổng kinh phí trên 314 triệu đồng.

Quán triệt Nghị quyết số 126/2016/NQ-HĐND của HĐND TP về chế độ hỗ trợ đối với NCC với cách mạng và thân nhân trên địa bàn thành phố, các ngành chức năng đã thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng đối với 656 trường hợp NCC có hoàn cảnh khó khăn hỗ trợ thêm 2 triệu/tháng, với tổng kinh phí 15,744 tỷ đồng. Phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành khảo sát nhu cầu hỗ trợ kinh phí trang bị phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 54 thương binh, NCC, với tổng kinh phí hơn 279 triệu đồng trong năm 2018.

Với mục tiêu không để sót hộ gia đình chính sách nào không được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và của thành phố, đến nay, ngành LĐTBXH T.P tổ chức xác nhận được 244.000 đối tượng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, trong đó 48.997 NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Nhờ sự quan tâm thường xuyên, liên tục của Đảng bộ và nhân dân T.P Hồ Chí Minh, đời sống của các gia đình chính sách, có công không ngừng được cải thiện; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành tốt mục tiêu bảo đảm mức sống của diện chính sách, có công ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương. Những việc làm nghĩa tình 44 năm qua để tri ân các gia đình chính sách NCC không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau, làm ấm lòng những người đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc mà còn thể hiện nghĩa tình trọn vẹn, sắt son của T.P mang tên Bác.

Mai Anh