T.P Hà Nội: “Sập bẫy” tư vấn đầu tư trái phiếu, 1 CCB nhọc nhằn đi đòi nợ
CCB Phan Thanh Hùng trao đổi với PV Báo CCB Việt Nam về sự việc bị dụ dỗ mua TPDN.
Hàng loạt chiêu thức chèo kéo khách hàng đang gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng chuyển sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao, khiến cho nhà đầu tư sập bẫy, phải nhọc nhằn… đòi nợ!
Chiêu thức dụ dỗ
Trong đơn CCB Phan Thanh Hùng, trú tại 2A khu tập thể Bưu điện (Giảng Võ, Ba Đình, T.P Hà Nội) gửi về Báo CCB Việt Nam phản ánh: Ông là khách hàng lâu năm của Ngân hàng X, có khoản tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng này. Vì là khách hàng thân thiết, nên năm 2022, CCB Hùng được Ngân hàng X quan tâm cử cán bộ đến nhà riêng tư vấn/phục vụ.
Cụ thể, ngày 16-3-2022 và 29-8-2022, CCB Phan Thanh Hùng được cán bộ Ngân hàng X tên là Ng.M.Tr đến tư vấn khoản tiền tiết kiệm mà CCB Hùng đang gửi tại Ngân hàng này. Tuy nhiên, tại hai buổi tư vấn, chị Trang lại tư vấn nên chuyển khoản tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), để hưởng lãi suất cao hơn lãi suất gửi Ngân hàng.
Được sự tư vấn như “rót mật vào tai”, CCB Hùng quyết định đầu tư mua 5000 TPDN do Công ty CP sàn giao dịch bất động sản Tiến Phước (gọi tắt là BĐS Tiến Phước) và 700 TPDN do Công ty CP thương mại - dịch vụ Công nghệ cao (gọi tắt là Cty CNC) là chủ sở hữu.
Theo Hợp đồng ký với BĐS Tiến Phước, ông Hùng đồng ý mua 5000 TPDN (mã trái phiếu GTPCH2123002) do Công ty CP tập đoàn Tiến Phước phát hành ngày 6-4-2021; thời gian đáo hạn vào ngày 6-4-2023. Tương tự, ngày 28-9-2022, sau khi được chị Tr. tư vấn, ông Hùng tiếp tục sử dụng 700 triệu đồng đang gửi tại Ngân hàng X để chuyển sang đầu tư mua 700 trái phiếu (mã trái phiếu TICCH2124001) do Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI phát hành ngày 22-9-2021; thời gian đáo hạn hợp đồng ký với Cty CNC vào ngày 22-9-2024.
Có điều trùng khớp là cả hai hợp đồng ký kết nhà đầu tư được hưởng tỷ suất lợi nhuận ròng 9,90%/năm và 2 mã trái phiếu đều do Công ty CP chứng khoán Tiên Phong làm đại lý đăng ký lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng mã trái phiếu.
Theo CCB Hùng, do tin tưởng Ngân hàng X là ngân hàng lớn, uy tín và là nơi mà ông gửi tiền tiết kiệm lâu nay nên khi được nhân viên ngân hàng tư vấn, ông rất tin tưởng. Không chỉ vậy, phía Ngân hàng X còn lập hợp đồng tư vấn dịch vụ tài chính, ngân hàng đàng hoàng nên ông Hùng càng an tâm đầu tư. Nhưng sau khi ký hợp đồng, thanh toán đủ tiền mua 2 mã trái phiếu cho đối tác, đến hạn nhận tiền lãi và gốc thì…
Nhọc nhằn đòi nợ!
Vẫn theo CCB Hùng, phía ngân hàng mới thông báo mã trái phiếu của Cty CNC sở hữu chỉ được thanh toán trước 20%, số còn lại Cty CNC xin khất chậm thanh toán vì khó khăn trong thu xếp tài chính.
Tương tự, trái phiếu GTPCH2123002 đến hạn thanh toán, phía Ngân hàng X hứa sẽ “tác động” để được thanh toán một phần; số còn lại họ cho biết khi nào BĐS Tiến Phước có tiền sẽ trả nốt.
Hành trình đòi tiền đầu tư mua trái phiếu của CCB Hùng càng rơi vào bế tắc khi một loạt văn bản của Cty CNC và BĐS Tiến Phước thông báo về tiến độ thanh toán theo từng đợt. Tuy nhiên, dù đến hạn như thông báo, CCB Hùng vẫn không được trả tiền theo đúng tiến độ ấn định.
Cụ thể, mã trái phiếu GTPCH2123002 phía BĐS Tiến Phước cam kết thanh toán đợt 1 là 20%, tương đương số tiền 109,9 triệu đồng vào ngày 8-5-2023 và đợt 2 thanh toán 10%, tương đương 54,95 triệu đồng vào ngày 10-7-2023, nhưng một thời gian sau số tiền đợt 1 và 2 mới được BĐS Tiến Phước thanh toán khi ông Hùng liên tục hối thúc Ngân hàng X.
Đáng chú ý, trong thông báo của BĐS Tiến Phước gửi CCB Phan Thanh Hùng thể hiện số tiền còn lại được BĐS Tiến Phước đề xuất (đợt 3) gia hạn đầu tư lên tới 24 tháng, lãi suất 11,5%/năm, được thanh toán cuối kỳ đối với 70% khoản tiền đến hạn thanh toán - tương đương 384,65 triệu đồng.
Còn đối với mã trái phiếu TICCH2124001 do Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI phát hành ngày 22-9-2021, đến thời điểm này không thấy Cty CNC có động tĩnh gì - dù đã quá hạn thanh toán. “Nhiều lần tôi liên lạc với phía Ngân hàng X thì chỉ nhận được những lời kỳ kèo, hứa hẹn của nhân viên đề nghị được thanh toán trả 50%, lúc thì hứa hẹn 35%, lúc thì xuống còn 20%. Đến thời điểm này dù đã quá hạn thanh toán khá lâu rồi nhưng không biết khi nào mới nhận đủ số tiền gốc và lãi”.
Tìm hiểu, được biết trái phiếu được hiểu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. Thế nhưng trong vụ việc này, các công ty ký hợp đồng đầu tư trái phiếu với ông Hùng (CCB Hùng chỉ là nhà đầu tư riêng lẻ - PV) cũng chỉ là đơn vị đang sở hữu trái phiếu của doanh nghiệp khác phát hành.
Trong khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, trái phiếu riêng lẻ chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đó là các nhà đầu tư có giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Tuy vậy vẫn có nghìn lẻ “chiêu thức” để nhân viên của các ngân hàng, các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp phát hành hô biến nhà đầu tư cá nhân thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trên một số diễn đàn, trong các hội nhóm đầu tư trái phiếu, tư vấn viên cho biết, chỉ với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào cũng đều có thể mua TPDN phát hành riêng lẻ, phía đơn vị phân phối sẽ “lo giúp” chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khách hàng...
(còn nữa)
Bài, ảnh: Tư Hoành