T.P Hà Nội: Làng nghề lao đao vì dịch!
Nghề làm nón truyền thống ở Hà Nội.
Làng nghề và nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nông thôn. Song, các làng nghề đang phải vật lộn để tồn tại, thậm chí nhiều làng nghề, doanh nghiệp sản xuất rơi vào tình cảnh lao đao, sản xuất cầm chừng….
Nỗi buồn người làm nghề!
Dạo quanh các làng nghề vào tháng cuối năm, những tưởng sẽ tìm thấy được cuộc sống nhộn nhịp, bận rộn, tất bật của người dân làng nghề như mọi năm thường thấy. Nhưng không khí trở nên yên tĩnh khác lạ và chỉ có rất ít cửa hàng kinh doanh sản phẩm làng nghề cũng như các cơ sở sản xuất còn hoạt động.
Làng nghề dệt len La Phù vốn đã nổi tiếng với những sản phẩm the lụa, là đỉnh cao của nghệ thuật dệt thủ công Việt Nam. Theo thời gian cũng như nhu cầu của người tiêu dùng mà La Phù hiện nay được biết đến với nghề dệt len xuất khẩu, dệt len trên máy vi tính. 10 năm trước, làng dệt len La Phù với hơn 90% số hộ tham gia sản xuất len, xuất khẩu ra nước ngoài đạt 100 triệu USD/năm. Vậy mà tại thời điểm này, chỉ còn một vài người bám trụ với nghề, cùng một số doanh nghiệp đang gồng mình trước thời buổi kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, như Công ty TNHH Minh Phương ở xã La Phù (Hoài Đức - Hà Nội) chuyên sản xuất hàng dệt kim xuất khẩu và nội địa là một điển hình.
Bà Hòa - một người đã từng dệt len ở làng chia sẻ: “Trước đây, La Phù có rất nhiều nhà làm nghề dệt len, gần như cả làng làm, nhưng 2 năm gần đây, kinh tế khó khăn, hàng làm ra không xuất được mà chỉ bán ở trong nước nên nhiều người bỏ nghề chuyển sang sản xuất bánh kẹo. Một nửa số thanh niên đang còn sức trẻ thì đi xuất khẩu lao động, chỉ khi nào có mối đặt hàng nhiều với các Công ty thì họ mới chuyển mẫu về cho những người trong làng để dệt, chủ yếu hiện nay là dệt trên máy vi tính”.
Cũng không kém phần “ảm đạm” khi đến với làng Chuông (còn gọi là làng Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cũng giống như nhiều làng nghề khác, không ồn ã, nhộn nhịp, phần vì nhiều cửa hàng, các hộ gia đình sản xuất chưa thật sự sẵn sàng cho công việc làm nón của mình, khi được hỏi về công việc cũng như thu nhập hàng tháng của năm đại dịch, Bà Lê Thị Hà - chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nón ngậm ngùi: “Sản phẩm nón chủ yếu là bán cho khách du lịch nước ngoài. Vì dịch bệnh, khách du lịch họ không sang, mà bây giờ nhu cầu sử dụng nón của người dân trong nước không còn được nhiều như trước, giá bán ra thì rẻ… nên khó khăn lắm…”.
Làng thêu ren Đào Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, T.P Hà Nội từng là một trong nhiều làng nghề thủ công truyền thống về thêu ở đất quê lụa. Nhưng hiện giờ cũng nằm trong tình trạng khó khăn chung và có phần vắng lặng hơn. Nghệ nhân Vũ Văn Hải, sinh năm 1980 - Chủ nhiệm Câu lạc bộ tranh thêu HL Embroidery Thường Tín không giấu giếm: “Mấy năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, lại cộng thêm dịch bệnh nên việc tiêu thụ sản phẩm cần phải suy tính kỹ. Để không mất nghề, tôi luôn tự an ủi mình cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này và duy trì 1 đến 2 lớp học của câu lạc bộ mỗi tháng”.
Bao giờ mới được hồi sinh?
Ông Tạ Tương Huỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Làng nghề thủ công mỹ nghệ T.P Hà Nội cho biết: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn về mọi mặt, các làng nghề, cơ sở sản xuất cần có những kế hoạch cụ thể để phát triển. Nhất là định hướng đầu ra cho sản phẩm, vạch ra những chính sách hợp lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đặc biệt cần có mục tiêu cạnh tranh hài hòa”.
Ông Huỳnh cũng chia sẻ thêm: Để có hướng đi lâu dài và bền vững, chiếm được thị trường trong nước, thì điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp làng nghề là phải luôn luôn thay đổi mẫu mã sản phẩm, tạo ra những mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu của khách hàng trong nước, thị trường nội địa chính là lời giải bài toán đầu ra cho các sản phẩm làng nghề. Có giải quyết được những bước đi như vậy mới mong cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài đang ồ ạt tràn vào thị trường trong nước.
Để tự cứu mình, hiện nay cũng có nhiều cơ sở sản xuất đang tìm cách liên kết lại với nhau để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm các hợp đồng và tiết kiệm chi phí đầu vào. Mở rộng hệ thống phân phối bán hàng trong toàn quốc, nâng cao sáng tạo những mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu của khách hàng nội địa là cách duy nhất để người làm nghề truyền thống tồn tại qua “bão dịch” Covid này.
Hoàng Thanh