T.P Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025

Xe máy là phương tiện giao thông cá nhân phổ biến của T.P Hà Nội.

Ngày 28-10, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường T.P Hà Nội cho biết: Sở đang triển khai kế hoạch xây dựng vùng thực hiện hạn chế xe máy theo chỉ đạo của UBND thành phố và dự kiến sẽ thực hiện thí điểm sau năm 2025.

Hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm

Để giảm lưu lượng xe và ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô, UBND T.P Hà Nội đang giao cho các sở, ngành có liên quan xây dựng Nghị quyết Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Từ nghị quyết này, thành phố sẽ dựa vào một số tiêu chí về đặc điểm dân cư - kinh tế; mức độ ô nhiễm không khí; tính khả thi về hạ tầng giao thông... để xác định vùng phát thải thấp. Dự kiến từ năm 2025 đến 2030, thành phố sẽ xây dựng 5 vùng có mức phát (xả) thải thấp (vùng an toàn) để hạn chế phương tiện giao thông.

Hà Nội đưa ra 5 tiêu chí để xác định vùng phát thải thấp, đây cũng là các vùng dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm: Thứ nhất là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội. Thứ hai là khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông. Thứ ba là khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học. Thứ tư là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện. Thứ năm là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Trong đó, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Thành phố sẽ hoàn thiện và thực thi cơ chế chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải không đạt quy chuẩn Việt Nam ra môi trường; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel; quy định các khu vực hạn chế xe máy, xe tải, xe taxi; chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện. Ngoài ra, Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng vi phạm các quy định trong quá trình khai thác. Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng không khí liên quan tới giao thông; giám sát lưu lượng giao thông; giám sát hành vi của người dân...

Cần đồng bộ nhiều biện pháp

Việc UBND T.P Hà Nội lên phương án cấm xe máy ở nội đô sau năm 2025, ông Nguyễn Văn Hòa, 70 tuổi, hành nghề xe ôm tại quận Hai Bà Trưng khá lo lắng: Nếu hạn chế ô tô, xe máy xăng thì đường phố sẽ thoáng đãng, sạch sẽ và ít ùn, tắc đường giờ cao điểm hơn. Tôi lo vì nếu hạn chế khu vực chạy xe máy xăng thì công việc xe ôm không còn đủ nuôi sống hai vợ chồng đã lớn tuổi.

Cùng chung nỗi lo với ông Hòa, anh Nguyễn Ngọc Dũng (45 tuổi, quê ở Hưng Yên) cho biết: Gia đình 4 miệng ăn của anh chủ yếu trông chờ vào số tiền công 9-10 triệu/tháng từ việc đi giao hàng trong nội thành bằng xe máy. Nếu xe máy xăng bị hạn chế trong một số khu vực của nội thành Hà Nội thì cuộc sống của gia đình anh sẽ có thể khó khăn hơn. “Phương án của thành phố chúng tôi vô cùng hoan nghênh vì nó thiết thực và cần thiết cho giao thông thông minh. Tuy nhiên, nếu cấm hay hạn chế xe máy xăng thì cần có phương án điều chỉnh phù hợp, để những người lao động phụ thuộc vào phương tiện này như chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều” - anh Dũng nói.

Đánh giá về kế hoạch xây dựng vùng thực hiện hạn chế xe máy theo chỉ đạo của UBND T.P Hà Nội, Tiễn sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc NXB Giao thông - Vận tải cho biết: Vấn đề cấm xe máy ở Hà Nội đã được nêu ra nhiều năm nay. “Ngay tại một hội thảo về vấn đề này trước đây do UBND T.P Hà Nội tổ chức, tôi và các chuyên gia đã cho rằng việc cấm xe máy là không khả thi do có nhiều nguyên nhân. Hiện nay, 80% người trưởng thành đi xe máy, trong đó ít nhất 60% là phương tiện phục vụ công việc để nuôi gia đình. Nếu cấm thì người ta đi bằng gì, sống thế nào? Tôi nghĩ đến năm 2030 không thể cấm xe máy” - ông Thủy nhận định.

Vị chuyên gia phân tích các nguyên nhân không thể cấm xe máy: Thứ nhất, về mặt khoa học, xe máy là một phương tiện cơ động, tốc độ, giá thành vừa túi tiền của người dân, chiếm diện tích đường chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với ô tô. Thứ hai, xe máy chỉ gây ô nhiễm bằng 1/5 đến 1/10 ô tô. Do đó, không thể nói xe máy là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, xe máy phù hợp với điều kiện đường sá và hạ tầng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Theo KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư T.P Hà Nội, việc xác định: “Vùng phát thải thấp” và hạn chế xe máy trong những vùng này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Bởi lẽ, Việt Nam đã công bố với cộng đồng quốc tế về lộ trình thực hiện chiến lược NETZERO, trong đó Hà Nội hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe máy vào vùng nội đô từ năm 2025 và tiến tới cấm xe máy hoạt động trong những vùng phát thải thấp.

“Việc xác định “vùng phát thải thấp” và hạn chế xe máy trong những vùng này đã được Hà Nội triển khai từ năm 2016 với việc mở rộng phố đi bộ ven Hồ Gươm và từng bước nghiên cứu mở rộng phạm vi là những bước cụ thể hóa. Mặc dù chỉ diễn ra trong 2 ngày cuối tuần nhưng chúng ta thấy có kết quả rõ ràng: Không khí trong lành hơn, không gian đi bộ an toàn thu hút các hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng nhiều hơn, kèm theo những hoạt động dịch vụ thương mại gia tăng và tạo ra hiệu ứng “phố đi bộ” ở nhiều nơi” - KTS. Trần Huy Ánh nhận định.

Thế nhưng, dù nhìn ở khía cạnh nào thì theo KTS. Trần Huy Ánh, với thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, đã tới lúc chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh để giải quyết. Trong đó hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông trong các khu vực trọng điểm là một trong những biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp…

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hai vấn đề cốt lõi để thực hiện được việc cấm xe máy trong nội đô là: Chuyển đổi nghề nghiệp cho những người lao động mưu sinh bằng xe máy và tăng cường các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó cần thay thế dần các xe chạy xăng bằng các xe sử dụng nhiên liệu xanh, sạch, xe điện…

Một thủ đô văn minh, trong lành, giao thông thông thoáng, không ùn tắc là mơ ước. Việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông trong các khu vực trọng điểm là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại và tương lai gần, hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy, việc hạn chế xe máy sẽ tạo ra khó khăn nhất định cho người dân thành phố. Do đó, việc hạn chế xe máy là một chủ trương đúng nhưng cần lộ trình phù hợp và đi liền với những giải pháp đồng bộ và nhân văn.

Võ Hóa