Syria - bài học về “ban phát dân chủ”
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Năm xưa khi được báo chí Hoa Kỳ hỏi về lý do tại sao Hoa Kỳ đã thất bại ở Việt Nam, tướng Hoa Kỳ bốn sao Westmoreland sau một hồi ngậm ngùi đã phải trả lời một cách thành thật rằng “Chúng ta thua vì chưa hiểu được văn hóa, lịch sử của người Việt Nam”.
Như thế cứ ngỡ sau hơn 40 năm Hoa Kỳ đã hiểu ra được bài học đắt giá này khi tiến hành can thiệp, ban phát “dân chủ” đến khắp nơi trên quả địa cầu này. Vậy nhưng, với tình trạng đang diễn ra ở các nước A Rập nói chung và đặc biệt tình hình Syria nói riêng đã cho thấy những người lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn không rút ra được bài học “văn hóa, lịch sử” từ cuộc chiến Việt Nam.
Giống như nhiều quốc gia Hồi giáo khác, Syria có mâu thuẫn tôn giáo rất phức tạp và không hề đơn giản. Đối với các quốc gia bình thường thì đa số người dân ít có mâu thuẫn sắc tộc, tất cả đều có lòng yêu nước thương nòi đứng dưới một lá cờ, một ngôn ngữ, một tinh thần dân tộc. Thế nhưng, các quốc gia Hồi giáo lại không như vậy.
Với người Hồi giáo, khái niệm đồng bào hay lợi ích dân tộc dường như không thật ý nghĩa lắm. Mà mục tiêu tối thượng của họ là phụng sự và hy sinh vì "lý tưởng" tôn giáo. Cụ thể như 2 nhánh chính của Hồi giáo là Shiite và Sunni ở Syria. Hai nhánh Hồi giáo này do bất đồng và mâu thuẫn với nhau từ hàng nghìn năm nay nên đã ly khai tự phủ nhận lẫn nhau, "đụng độ" nhau trong suốt quá trình hình thành tôn giáo của mình.
Bởi vậy, ở các quốc gia Hồi giáo, mâu thuẫn tôn giáo rất phức tạp, có những thời điểm đã đẩy lên thậm chí tới tình trạng cực kỳ nguy hiểm và luôn ở bên bờ nội chiến.
Với một đất nước có nhiều phe phái mâu thuẫn sâu sắc và khó giải quyết như vậy, thì để ổn định tình hình luôn cần phải có một nhân vật kiểu “già làng” đứng ra để giải quyết và kiềm chế xung đột các bên. Nhân vật “già làng” này không những phải là người bản địa mà còn phải là người có uy tín, có thế lực, thậm chí còn phải mạnh tay với những phe phái có ý định làm loạn, hay nổi dậy. Chỉ khi một nhân vật “già làng” như thế thành công thì mới có thể ổn định được tình hình xã hội ở các nước A Rập.
Những vị “già làng” như vậy trong quá khứ tiêu biểu có thể kể tới là Saddam Hussein và Gaddafi. Đất nước Iraq và Lybia dưới thời hai nhà độc tài này tuy có tình trạng tham nhũng hay đàn áp, thế nhưng nói chung rất ổn định, hòa bình và phát triển kinh tế khấm khá-Lybia và Iraq trước kia đều là những quốc gia có mức sống cao. Vậy mà, kể từ khi Hoa Kỳ can thiệp vào Lybia và Iraq với hy vọng đem lại quyền dân chủ cho người dân hai nước kể trên bằng việc lật đổ đi hai vị “già làng”, thì ngay sau đó Lybia và Iraq càng loạn lạc, càng kém phát triển hơn.
Hoa Kỳ nhầm ,tưởng sau khi có quyền tự do dân chủ nọ kia thì họ sẽ chung sức đoàn kết phát triển xã hội, thế nhưng hóa ra lại chỉ là tự do đánh bom, tự do chém giết và tự do khủng bố. Rốt cuộc kể từ khi lính Hoa Kỳ đã rút hoàn toàn khỏi Iraq cho tới tận hôm nay, số người chết vì đánh bom tự sát vẫn tăng liên tục, mà chỉ vì các phe phái trả thù lẫn nhau.
Còn ở Lybia thì các tổ chức cũng lao vào công cuộc chém giết để tranh giành quyền lực mặc cho người dân lầm than và khổ đau. Dưới những giot máu của bao người dân vô tội đó, những tổ chức khủng bố như IS đã mọc mầm và phát triển thành nỗi kinh hoàng cho thế giới văn minh.
Quay trở lại tình hình Syria, chúng ta có thể thấy Tổng thống Al Assad cũng chính là một già làng như Saddam Hussein hay Gaddafi. Đất nước Syria trước đây cũng rất ổn định dẫu rằng sự cai trị của Assad có phần độc tài và tham nhũng. Vậy nhưng, thay vì hiểu được tình hình phức tạp của đất nước Trung Đông này thì Hoa Kỳ lại bơm tiền cho các tổ chức đối lập đứng dậy chống lại chính quyền Assad để đòi quyền dân chủ. Hậu quả là các phe phái đối lập mượn gió bẻ măng chớp lấy thời cơ bằng vàng lấy tiền và vũ khí viện trợ để gây chiến tranh loạn lạc khắp Syria.
Xem ra chỉ có Tổng thống Nga, ông Putin là hiểu hơn lịch sử và văn hóa của nước A Rập, nên luôn tuyên bố rằng Syria cần một vị lãnh đạo như Tổng thống Assad để ổn định tình hình. Ngược lại, Hoa Kỳ lại bất chấp sự thật này mà luôn yêu sách đòi hỏi Tổng thống Assad phải từ chức.
Rốt cuộc, đất nước Syria càng loạn khi Hoa Kỳ càng can thiệp sâu vào tình hình Syria. Thế rồi mọi cuộc họp của LHQ được tổ chức, đàm phán con thoi diễn ra liên tục, nhưng một thỏa thuận ngừng bắn cũng khó mà có thể thiết lập nổi.
Tình hình hiện tại ở Syria suy cho cùng thì nguyên nhân số một bắt nguồn từ lỗi lầm của những người lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn chưa nhận ra rằng: văn hóa lịch sử của mỗi quốc gia khác nhau, do đó không phải quốc gia nào cũng có thể áp dụng mô hình dân chủ kiểu Hoa Kỳ. Để rồi trong quá trình “ban phát dân chủ” thì hòa bình, thịnh vượng chả thấy đâu mà chỉ thấy chiến tranh, loạn lạc và máu chảy đầu rơi của dân thường vô tội mà thôi.
NHA