Suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Hiện tượng tĩnh mạch giãn ra, nổi lên bề mặt da.
Suy tĩnh mạch chi dưới là tình trạng các tĩnh mạch giảm khả năng dẫn máu trở về tim do suy chức năng các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông hoặc tĩnh mạch sâu. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây trở ngại cho sinh hoạt và công việc hằng ngày, điều trị lâu dài và tốn kém nhất là ở giai đoạn muộn.
Biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh thường không rõ ràng và thoáng qua. Người bệnh có cảm giác nặng chân, có thể thấy giày dép chật hơn bình thường. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể thấy chân dễ mỏi, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, cảm giác như bị kim châm hay kiến bò vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm… Người bệnh cũng có thể nhìn thấy mạch máu nhỏ li ti trên bề mặt da như mạng nhện (spider vein) hay lớn hơn và sâu hơn như dạng lưới ở lớp dưới da. Các biểu hiện trên có thể mất đi khi người bệnh nghỉ ngơi, các tĩnh mạch giãn chưa nhiều, lúc giãn lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.
Vào giai đoạn tiến triển, chân người bệnh bắt đầu có biểu hiện phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da, biểu hiện của loạn dưỡng do máu tĩnh mạch ứ lâu ngày. Các tĩnh mạch căng giãn gây cảm giác đau tức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, trường hợp nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch nổi to rõ trên da thường xuyên, các mảng máu bầm trên da…
Khi giãn tĩnh mạch bước vào giai đoạn biến chứng, tĩnh mạch nông giãn to thành búi, bị viêm tạo huyết khối trong lòng. Kết hợp với tình trạng loét do thiểu dưỡng có thể tạo nên những ổ loét, nhiễm trùng…
Biến chứng của giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng to. Vào giai đoạn cuối, toàn bộ hệ thống tĩnh mạch bị trì trệ, hệ thống tuần hoàn ứ đọng, tĩnh mạch giãn to quá mức, gây rối loạn các dưỡng chất cung cấp đến da làm da đổi màu, thâm đen, mỏng, dễ bị tổn thương dẫn đến nhiễm trùng, các tế bào lở loét, khó điều trị. Trường hợp nặng nhất có thể dẫn đến tử vong do cục huyết khối trong tĩnh mạch di chuyển đến phổi gây tắc nghẽn động mạch phổi.
Phòng tránh giãn tĩnh mạch chi
Đầu tiên, khi bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và kiểm tra. Khi được chẩn đoán đã mắc bệnh, các bác sĩ sẽ tùy theo mức độ diễn biến bệnh mà có phương pháp điều trị thích hợp. Không cố định bất kỳ phương pháp điều trị bệnh nào vì hiệu quả còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Hiện nay, nhờ sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch đã được phát triển và mang lại hiệu quả cao như: phẫu thuật bằng laser, đốt những tĩnh mạch giãn bằng nhiệt hay rút bỏ tĩnh mạch giãn tại chỗ... Tuy nhiên, tất cả những phương pháp trên đều khiến người mắc bệnh tiêu tốn nhiều chi phí cũng như thời gian chữa trị. Vì vậy, chuẩn bị lối sống khoa học và lành mạnh cùng những biện pháp phòng ngừa chính là cách để suy giãn tĩnh mạch không thể gây phiền toái đến cuộc sống của mình.
Tập thói quen nâng cao chân khi ngồi làm việc, đi bộ khoảng 15 phút khi ngồi hoặc đứng lâu để giúp máu lưu thông. Chỉ sử dụng giày cao gót trong trường hợp cần thiết, nên mặc đồ thoải mái, không quá bó sát, tránh trường hợp trang phục ngăn cản sự lưu thông của máu. Thường xuyên tập thể dục, thể thao, duy trì chế độ luyện tập điều độ.
Theo nhiều nghiên cứu đã chứng minh thực phẩm giàu chất xơ có khả năng ngăn ngừa được bệnh giãn tĩnh mạch chân. Bạn có thể bổ sung chất xơ từ các loại thực phẩm tự nhiên rau xanh, trái cây, củ quả,… nên chia làm nhiều bữa ăn để chất xơ được cơ thể hấp thụ một cách tối đa.
Thành An