• Thôi cứ gọi đồng chí là được rồi.
    Bác đến bắt tay từng người. Khi tới trước mặt tôi, nhìn thấy tôi đầu trọc lốc, Bác lại cười vui :
  • Cái đầu trọc đẹp quá !
    Thấy Bác giản dị, thân mật, tôi mạnh dạn hẳn lên. Trò chuyện một lúc, Bác và chúng tôi vào lớp học. Bác giới thiệu với chúng tôi anh Đức Thanh sẽ là trợ giáo, sẽ đi sát giúp đỡ chúng tôi hàng ngày, còn Bác sẽ trực tiếp lên lớp. Chúng tôi ngồi cả trong hốc đá, có mấy cành cây kê làm ghế, tài liệu sách vở không, nghe nhập tâm là chính. Sau khi anh Đức Thanh phổ biến chương trình lớp học, Bác bắt đầu giảng bài. Đầu tiên, Bác nói về tình hình thế giới. Lúc này bọn phát xít Hít-le vừa tiến công Liên Xô, Bác phân tích, đại ý: Hiện nay trên thế giới có phe phát xít Đức, Ý, Nhật và phe dân chủ chống phát xít có nước dân chủ mới như Liên Xô, và dân chủ cũ như Anh, Pháp, Mỹ. Dân chủ cũ và dân chủ mới mâu thuẫn với nhau, trước đây đã có lần đánh nhau, nhưng lúc này, đứng trước họa phát xít, dân chủ mới và dân chủ cũ đã đồng minh với nhau chống lại phe phát xít. Trong phe dân chủ chống phát xít, Liên Xô là chủ lực. Việt Nam ta cũng đứng ở phe dân chủ mới. Hồng quân Liên Xô nhất định thắng, phát xít Đức - Ý - Nhật nhất định thua. Việt Nam ta ủng hộ Liên Xô…
    Sướng nhất là những bài Bác giảng về quân sự, tôi nghe lý thú lắm, Bác nói về chiến thuật du kích là: Lấy ít đánh nhiều, dùng mưu mẹo mà đánh, nay đánh đông, mai đánh tây, làm cho địch chết dần, chết mòn… Về các hình thức đánh, Bác không nói các từ tập kích, phục kích, mà nói đánh úp, đánh mai phục. Bác còn giảng giải: Đánh úp là khi quân địch đang ở một xóm, một làng, một quán nào đó, mình giả vờ là người dân, lân la đến gần, dùng gậy đập chết nó, rồi cướp súng, có thể ban đêm, cũng có thể ban ngày… Còn đánh mai phục là tự mình chọn lấy một nơi địa thế kín đáo, rồi bí mật đến nấp ở đó, đợi khi nào địch đi qua thì nhanh chóng bất ngờ xông ra dùng dao, dùng gậy giết nó, cuối cùng, Bác dặn lại: đánh úp, đánh mai phục như thế không cần nhiều người, không nên ăn to vội, mới đầu hãy chọn một vài thằng, nhằm vào lúc nó đi liên lạc hay đang giải tù, bắt phu, đốc thuế, rồi diệt nó lấy một, hai khẩu súng, dần dần diệt ba, bốn thằng lấy ba, bốn khẩu súng và cứ như thế mà tiến lên.
    Trong các bài giảng có bài về giữ bí mật. Bác dặn chúng tôi phải nhớ kỹ khẩu hiệu: Không có, không biết, không thấy. Khi gặp người lạ hỏi gì, mình không nói không được, nhưng nói thì nói không có, không biết và không thấy. Nhiều lúc chúng tôi tò mò muốn hỏi tên Bác là gì, thân thế sự nghiệp ra sao… nhưng thấy Bác dặn như thế nên chúng tôi lại không dám hỏi… Mãi đến năm 1945, khi về Tân Trào làm nhiệm vụ bảo vệ Bác, tôi mới chính thức biết Bác là ai. Hôm đó Bác ở trong lán vừa đi ra ngoài. Anh Văn lên thăm Bác nhưng không gặp. Anh ngồi nói chuyện với tôi, rồi tự nhiên anh giở một quyển sách chữ Pháp, trong đó có một ảnh to. Anh nghiêng nghiêng quyển sách cho tôi xem, chính là ảnh Bác. Trên đầu trang sách đề Nguyễn Ái Quốc. Tôi vui sướng và xúc động quá, còn anh Văn thì chỉ cười, không nói gì …
    Bài giảng về công tác xây dựng phong trào, Bác dạy chúng tôi làm người cán bộ phải biết vận động quần chúng, muốn vận động được quần chúng, thì phải thực hiện “Ba dân”: dân tin, dân phục, dân yêu; muốn được dân tin, mình phải trung thành, thật thà với dân, muốn được dân phục, thì khó khăn phải đi trước, sung sướng hưởng sau, vững vàng trong mọi tình huống; muốn được dân yêu thì mình phải yêu dân đã, phải kính già, yêu trẻ, đoàn kết với mọi người, đứng đắn với phụ nữ. Về phương pháp, Bác đề ra năm bước công tác vận động quần chúng, không được bỏ qua bước nào, cũng không được lẫn bước này với bước khác. Năm bước đó là: Điều tra lai lịch và quan hệ xã hội của quần chúng; tuyên truyền cách mạng cho quần chúng; đưa quần chúng vào tổ chức; huấn luyện quần chúng; và cuối cùng là đưa quần chúng lên đấu tranh với địch. Bác bảo tuyên truyền phát triển cách mạng ở địa phương thì dễ, vì chung quanh toàn là bà con làng xóm với mình, ai tốt xấu thế nào đều nắm chắc rồi. Song tuyên truyền binh lính địch thì khó và Bác bàn cách ngay:
  • Các chú đừng nói cao xa, cứ lấy cái gần nhất như cảnh làm ăn của cha, mẹ, vợ con họ ở nhà mà nói.
    Để giúp chúng tôi dễ nhớ phương hướng, nội dung tuyên truyền, Bác mang tập thơ 30 bài do Bác làm cho chúng tôi xem. Mỗi bài nhằm tuyên truyền một đối tượng. Bác dặn, đi tuyên truyền đối tượng nào, phải học thuộc lòng bài nói về đối tượng ấy, cấm ngặt mang tài liệu trong người, vì tài liệu lọt vào tay địch sẽ gây rất nhiều phiền phức cho tổ chức, mà người mang tài liệu có khi còn bị chúng chặt đầu ngay tại chỗ. Bác khuyến khích chúng tôi học thuộc càng nhiều càng tốt, ai thuộc cả 30 bài thì Bác thưởng.
    Thấm thía nhất là lời Bác dạy về sự kiên nhẫn. Bác bảo:
  • Tuyên truyền cách mạng không được nản. Mục tiêu cuối cùng là giác ngộ được quần chúng để họ làm cách mạng. Phải lấy đó mà phấn đấu. Ta vận động quần chúng theo ta. Địch cũng lôi kéo quần chúng theo chúng. Hai bên giằng co nhau, không ai đứng giữa được. Ta không giác ngộ họ, thì địch sẽ kéo họ đi, biến họ trở thành người chống lại cách mạng.
    Ôi! Sao mà chí lý thế …
    NGUYỄN PHÚC ẤM
    (Theo hồi ký của Thượng tướng Đàm Quang Trung)