Sức xuân Cao Bằng
PV: Thưa đồng chí Chủ tịch. Xin đồng chí cho biết đôi nét về những hoạt động của Tỉnh hội trong thời gian qua.
Đồng chí Hoàng Văn Thượng: Cao Bằng chúng tôi là quê hương cách mạng, quê hương Anh hùng nhưng cũng là tỉnh miền núi biên giới còn rất nhiều khó khăn. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đã tập trung trí lực và công sức lao động sản xuất xây dựng quê hương, trong đó có các cấp Hội CCB với gần 27.000 hội viên CCB.
Tổng kết năm 2016, Hội CCB được các cấp, các ngành đánh giá cao trong các hoạt động như xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị ở địa phương; xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu; tham gia các phong trào, các chương trình phát triển KTXH, xây dựng nông thôn mới…
PV: Đồng chí cho biết kỹ hơn về những kết quả đạt được trong việc xây dựng tổ chức Hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí Hoàng Văn Thượng: Ngay từ khi thành lập, chúng tôi luôn chú trọng công tác tổ chức xây dựng Hội. Đến nay, Hội CCB Cao Bằng được thành lập ở tất cả các địa bàn thôn, bản, tổ dân phố. Mọi hoạt động đều đi vào nền nếp và thực chất, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh ghi nhận. Năm 2016, Hội tổ chức 14 lớp tập huấn cho 720 cán bộ về Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, triển khai Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Các cấp Hội gắn Phong trào thi đua “CCB gương mẫu” với các phong trào chung, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động lớn như “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Ngày Vì người nghèo”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”… do đó xây dựng được 890 Tổ CCB tự quản. Hội CCB các xã biên giới phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc 23 lần, có 345 người tham gia, phát quang đường biên mốc giới trên 550 ngày công… Các tổ chức Hội phối hợp tuyên truyền về truyền thống cách mạng 230 buổi, có 2.325 đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh tham dự; tu sửa, thắp nến tri ân 14 nghĩa trang và 74 nhà bia ghi công Anh hùng liệt sĩ; giao lưu, tặng quà cho tân binh lên đường thực hiện NVQS. Các cơ sở và hội viên còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới với 28.488 ngày công; 707 triệu đồng, hiến 37.753m2 đất… Những kết quả của Hội CCB góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PV: Cao Bằng là địa phương còn nhiều khó khăn, vậy lực lượng CCB có những biện pháp và hoạt động cụ thể gì trong xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu?
Đồng chí Hoàng Văn Thượng: Qua khảo sát cho thấy, gia đình hội viên đói không còn nhưng số hộ hội viên nghèo có tới 5.192 hộ (19,4%). Số huyện có hộ nghèo nhiều nhất là Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, đều là các huyện vùng III, biên giới. Các xã đặc biệt khó khăn, thường xảy ra thiên tai nên chúng tôi tập trung giúp đỡ như: Thấy đất rừng, đất ruộng còn bỏ hoang nhiều, hiệu quả nuôi trồng còn thấp, chúng tôi vận động và đưa vào nghị quyết nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu, áp dụng KHKT…
Thời gian qua, Hội CCB của tỉnh vay, sử dụng các nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng, luân phiên cho các hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế. Cùng với đó là mở hàng chục lớp bồi dưỡng kiến thức làm kinh tế cho hơn 4.000 lượt hội viên. Chúng tôi vận động hội viên tích cực tham gia và thực tế cho thấy, cây thuốc lá phù hợp với thổ nhưỡng, cho thu hoạch gấp 4-5 lần cây lúa được trồng ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. CCB nhiều nơi khác thì tập trung trồng các cây thế mạnh của mình như cây hồi, trúc sáo, thạch đen được 433,9ha; tham gia các dự án trồng rừng 327, PAM, dự án trồng 5 triệu héc-ta rừng; phát triển chăn nuôi trâu bò, dê tại các địa phương… Hàng loạt mô hình CCB làm ăn giỏi tại các địa phương như mô hình HTX CCB chăn nuôi trâu bò ở xã Lê Lai (Thạch An), HTX rèn truyền thống của CCB xã Phúc Sen (Quảng Uyên)… các tấm gương tiêu biểu như hội viên Đàm Văn Khiêm và Phan Văn Trình (xã Đào Ngạn, Hà Quảng) trồng cây thuốc lá thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; Đàm Hồng Báo (xã Thượng Thôn, Hà Quảng) trồng lạc kết hợp nuôi bò; Nông Văn Trường (xã Trường Hà, Hà Quảng) nuôi chim trĩ và bò sinh sản; CCB xã Đức Hạnh (Bảo Lâm) trồng gần 70.000 cây hồi và cây sa mộc; Quan Văn Vương (xã Đình Phùng, Bảo Lạc) hiến 1.822m2 đất xây trường học… Qua Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Tỉnh hội có hàng nghìn hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp xã, huyện, tỉnh đến T.Ư. Những tấm gương này được các cấp Hội tuyên truyền rộng rãi để các hội viên và nhân dân cùng học tập, làm theo.
Từ những việc làm ấy, tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm còn hơn 19% theo tiêu chí mới; số hộ CCB khá giàu ngày một tăng; số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên là 45 hộ, thu nhập 50 - 100 triệu đồng/năm có hơn 600 hộ... Tuy còn nhiều khó khăn nhưng CCB Cao Bằng không ngừng vươn lên. Nhân đây, cũng chia sẻ với nhà báo, các cấp Hội đang tích cực chăm lo đón Tết, vui xuân cho hội viên, đặc biệt là các hộ CCB nghèo, để ai cũng vui, cũng có Tết.
PV: Xin chúc Hội CCB Cao Bằng ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống quê hương Anh hùng.
Lê Doãn Chiêu (thực hiện)