Doanh nhân – CCB Phạm Xuân Cường (thứ hai, phải sang) trao đổi về hệ thống rau khí canh theo công nghệ I-Xra-en với công nhân.
Nhìn anh với dáng người nhỏ nhắn, tóc đen nhánh, thật khó đoán khi nay anh đã ở tuổi 66. Năm 1969, từ quê hương thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, chàng trai Phạm Xuân Cường đỗ vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội và khi đang học năm thứ nhất, anh nhập ngũ về Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu thuộc c14 Đặc công Bình Trị Thiên… Năm 1975, anh cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh địch tại Xuân Lộc, Long Khánh, Hố Nai, Thủ Đức, Biên Hòa; được kết nạp Đảng, được công nhận Chiến sĩ Quyết thắng rồi sau đó đi học tại CHDC Đức, đến năm 1986 trở về nước. Gom góp được chút vốn liếng, năm 1996, vợ chồng anh gây dựng nên Công ty TNHH Rạng Đông chuyên về sản xuất cơ khí và sản xuất khuôn nhựa tại quê vợ - Khu công nghiệp Phú Khánh (T.P Thái Bình), rồi Công ty VinaFuji (năm 2003) tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, T.P Hà Nội) và đến năm 2007, hợp sức với các doanh nhân CCB lập nên Công ty DCCM (Công ty CP doanh nhân CCB Mê Linh) kinh doanh đa ngành nghề như xây dựng, nuôi trồng thủy hải sản, xuất khẩu, du lịch sinh thái… Tận tâm với công việc, với ý chí và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, lại được sự chung sức, chung lòng của các doanh nhân CCB khác nên hầu như anh làm gì cũng thành công. Làm ăn có uy tín, anh được đối tác Nhật Bản ký hợp đồng lâu dài cung cấp đũa ăn một lần, thế là Công ty của anh lại đặt hàng, tiêu thụ hàng nghìn mét khối gỗ mỡ, bồ đề cho bà con các tỉnh trung du, miền núi; sản xuất và xuất khẩu hơn 30 công-te-nơ đũa sang Nhật Bản mỗi năm. Anh cho biết: Năm 2017, anh cùng đoàn sang I-xra-en học hỏi kinh nghiệm, mang công nghệ trồng rau khí canh, trồng rau sạch tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng và diện tích về, hiện đang tập trung sản xuất hàng loạt hệ thống giá trồng và chuẩn bị đưa ra thị trường Hà Nội và các địa phương phía Bắc…

Làm giàu cho mình, Phạm Xuân Cường còn luôn nhớ tới các đồng đội và bà con còn khó khăn, mỗi năm anh trích quỹ hàng trăm triệu đồng ủng hộ Quỹ “Nạn nhân da cam”, “Khuyến học”... thăm hỏi các gia đình chính sách trên địa bàn; làm 1km đường nghĩa trang cho xã Kim Hoa (Mê Linh) trị giá 350 triệu đồng, mỗi năm xây 1 nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng cho huyện Mê Linh và tặng hàng trăm suất quà cho các đối tượng chính sách… Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, CCB, doanh nhân Phạm Xuân Cường còn tham gia tốt mọi hoạt động xã hội, gương mẫu đi đầu trong vận động, đoàn kết các doanh nhân trong khu vực tham gia Hội doanh nhân CCB Thủ đô, hiện anh là Chủ tịch Hội doanh nhân CCB huyện Mê Linh.

Ở huyện Mê Linh, ai cũng cảm phục, quý mến người thương binh, doanh nhân CCB Phạm Xuân Cường với tác phong “miệng nói tay làm” trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Bài và ảnh: Lê Doãn Chiêu