Sức sống mới trên Quần đảo Trường Sa

Trong 10 ngày hành trình, đoàn công tác đã có nhiều hoạt động ý nghĩa tại 11 điểm, đảo, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm đảo Đá Lớn, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Đá Đông, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa, Đá Lát và Nhà giàn DK1 ( khu vực Quế Đường ), thăm và tặng quà động viên cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và nhân dân ở huyện đảo Trường Sa.
Có thể nhận ra rằng: các đảo chìm như Len Đao, Đá Lớn, Đá Đông, Đá Tây, Núi Le, Đá Lát là những đảo có vị trí quân sự, kinh tế quan trọng, nhưng đều nằm trên nền san hô ngập nước, điều kiện ăn ở sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ chiến sỹ luôn có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, lạc quan tin tưởng và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, đặc biệt tất cả cán bộ chiến sỹ ở trên các đảo đều đang thi đua lập thành tích chào mừng 42 năm ngày giải phóng miền Nam, giải phóng Quần đảo Trường Sa và chào mừng các đại biểu ra thăm đảo.

Mắt thần giữ đảoĐại uý Nguyễn Thái Sơn, chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A quê ở Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: ngoài việc hoàn thành tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đáu, cán bộ chiến sỹ trên đảo còn luôn gắn bó mật thiết với ngư dân, tuyên truyền và vận động ngư dân bám biển, giúp đỡ lương thực, khám và cấp thuốc điều trị cho ngư dân. Thượng uỷ Nguyễn Đức Quý, Phó chỉ huy đảo Len Đao khẳng định: chúng tôi luôn lấy tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của các cán bộ chiến sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma để giáo dục bộ đội luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc trong bất cứ tình huống nào. Chiến sỹ trẻ Cao Anh Hùng, năm này mới tròn 21 tuổi, đang làm nhiệm vụ đứng gác để đồng đội trên đảo Đá Tây đón khách, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui khi đảo của anh được đón các cô chú từ đất liền ra thăm. Cao Anh Hùng tâm sự: quê em ở tận Tuyên Hoá, một vùng quê xa xôi và khó khăn của tỉnh Quảng Bình, mỗi khi có dịp gọi điện thoại về nhà là bố mẹ và các anh chị lại động viên em cố gắng giữ gìn sức khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em rất xúc động và báo tin để bố mẹ yên tâm là trên đảo chúng con sống rất vui, đoàn kết yêu thương nhau như anh em một nhà. Mỗi lần có bà con cô bác từ đất liền ra thăm đảo là chúng em thấy thật gần gũi với quê hương.
Tặng cờ Tổ Quốc cho bộ đội trên đảoVăn công phục vụ bộ đội trên đảoĐến thăm đảo Trường sa Đông, tôi may mắn được gặp người Cựu Chiến Binh đi trong đoàn Hà Nội, ông cho biết tên ông là Nguyễn Hoàng Việt, Bí thư Đảng uỷ xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Tp Hà Nội, từng có 4 năm làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Sau gần 40 năm được trở lại thăm đảo, CCB Hoàng Việt không giấu nổi xúc động: Tôi thật sự vui mừng vì đảo bây giờ được xây dựng lại thật vững chãi, điều kiện sinh hoạt rất đầy đủ, anh em bộ đội ai cũng khoẻ mạnh, chịu khó học tập và rèn luyện, sẵn sàng bào vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc, trò chuyện với các cháu, tôi mong các cháu tiếp bước truyền thống vẻ vang của cha anh để canh giữ biển trời thân yêu của Tổ Quốc Việt Nam.
Vườn rau xanh ở đảo Đá Đông.

Những công dân nhí ở Trường Sa

Ấn tượng nhất của tôi trong chuyến đi này là được một lần tham dự lễ chào cờ trên đảo Trường Sa, đây là một việc làm thực hiện chế độ chào cờ của Quân đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa, nhưng với tôi thật sự thiêng liêng và xúc động. Ngoài các đại biểu tham dự, còn có bà con nhân dân huyện đảo Trường Sa, trong đó có các cháu thiếu nhi được sinh ra ngay từ trên đảo. Các cháu tập hát Quốc ca theo bố mẹ, tập đi đều với các chú bộ đội trông thật ngộ nghĩnh, đây là những công dân " nhí " sẽ tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Trung tá Đỗ Bá Tuyến, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước, cơ sở vật chất trên đảo ngày càng được củng cố, nơi ăn ở gọn gàng, đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đơn vị luôn phối hợp với UBND thị trấn Trường Sa quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho thiếu nhi, phụ nữ trên đảo.



Kết thúc cuộc hành trình 10 ngày ngắn ngủi, đoàn công tác lên thăm nhà giàn DK1, anh em bộ đội ở nhà giàn biết tin được đón đoàn ra thăm nên khuôn mặt ai cũng tươi vui rạng rỡ, trừ một số đồng chí được phân công làm nhiệm vụ, số còn lại đều ra tận bậc lên xuống của nhà giàn để đón các cô, chú. Theo các chiến sỹ ở đây cho biết: sau sự cố năm 2013, nhà giàn mới được xây dựng lại khang trang, vững chải, đủ sức chống chọi với bão tố phong ba và cảnh giác với kẻ địch trong bất cứ lúc nào. Đại úy Trần Văn Sang, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1 khẳng định: “Đáp lại sự quan tâm của đất liền, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn nguyện sẽ mưu trí, dũng cảm, chấp nhận hi sinh, quyết tâm bảo vệ vững chắc nhà giàn với phương châm “còn người, còn nhà giàn”.
Theo Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải Quân: Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, các Bộ ngành Trung ương và địa phương, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài làm cho tiềm lực và diện mạo của các đảo trên Quần đảo Trường Sa có sự thay đổi đáng kể. Đáp lại tình cảm tin tưởng của Đảng và nhân dân, Quân chúng Hải quân đã tuyển truyền giáo dục, rèn luyện cho cán bộ chiến sỹ xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Toàn Quân chủng là một khối đoàn kết thống nhất, tịch cực chủ động, sáng tạo, mạnh dạn tham mưu đề xuất với cấp trên và khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng Trường Sa ngày càng phát triển, thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về đạo đức lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, và luôn nêu cao tinh thân cảnh giác để chủ động trong bất cứ mọi tình huống…”

Lê Anh Thi, gửi từ Trường Sa thân yêu