Sửa Luật đầu công để khơi thông nguồn lực không phải làm luật để quản
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày 29/10/2024 đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư- ông Nguyễn Chí Dũng sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Buổi chiều, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về dự luật này.Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao chủ trì xây dựng luật này. Dự thảo Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thể chế hóa cơ chế, chính sách đặc thù
Nhóm chính sách đầu tiên đó là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng. Nói về nhóm chính sách này, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kê hoạch và Đầu tư cho hay mục tiêu của chính sách là thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư công; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm để mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.
Trong nhóm chính sách này, điểm mới được chú ý đầu tiên trong dự thảo luật là: Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C). Hiện nay, chính sách tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập đối với dự án nhóm B, nhóm C mới được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An và quy định tại Luật Thủ đô năm 2024. Tại dự thảo, cơ quan soạn thảo đã đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng trong Luật Đầu tư công sửa đổi, tách GPMB thành dự án riêng phải xác định được nguồn vốn. Dự thảo cũng đề xuất giải pháp tránh GPMB tràn lan.
Để phát huy hiệu quả, giúp tăng tính chủ động, khai thác được nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện dự án của địa phương, dự thảo luật này đề xuất Thủ tướng giao một địa phương làm chủ quản một dự án đi qua nhiều địa phương, dự án đi qua nhiều tỉnh thì giao 1 tỉnh làm đầu mối thực hiện, dự án đi qua nhiều huyện thì giao một huyện làm đầu mối triển khai. Đây là một cơ chế đã được thí điểm thực hiện trong thời gian ngắn, áp dụng cho một số công trình, dự án cụ thể. Với đề xuất như dự thảo luật, việc đổi mới để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết, theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.
Tăng phân cấp, bớt 3 bước, giảm 3 tháng
Nhóm chính sách thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Mục tiêu của chính sách là phát huy hơn nữa sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện các dự án đầu tư công của địa phương để đáp ứng yêu cầu thực hiện 03 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Cơ quan soạn thảo đề xuất phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường phân cấp, phần quyền như dự thảo là bớt được 3 bước, có thể giảm 2-3 tháng làm thủ tục dự án đầu tư công. Đồng thời tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều hành, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ để thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Quy định phân cấp này cũng phù hợp với chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm soát quyền lực và tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát.
Luật hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thời gian bố trí vốn NSTW, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với vốn NSĐP nếu dự án đã quá thời gian bố trí vốn. Việc tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ thường kéo dài, trải qua nhiều bước, làm giảm thời gian thực hiện và giải ngân vốn.
Vì thế, dự thảo luật cũng đề xuất phân cấp mạnh mẽ việc quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương.
Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Luật sửa đổi cũng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”…
Tinh thần làm luật lần này được chỉ đạo là làm sao kiến tạo sự phát triển, khơi thông nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đầu tư công, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chứ không phải làm luật để “quản”.
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (hiệu lực từ ngày 01/01/2020) là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí. sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ những hạn chế. Vì vậy Luật này cần sửa đổi, bổ sung.
Kỳ vọng Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi) để Luật được Quốc hội thông qua và ban hành, điểm nghẽn được tháo bỏ, và việc sửa luật lần này còn có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai 3 đột phá chiến lược, khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm để nguồn lực được khơi thông, vốn sẽ được đẩy vào nền kinh tế nhanh hơn, phát huy hiệu quả sớm hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
PV