SỰ TÍCH CHIẾC “ĐÈN RÙA” (17/09/2009)

Trong dịp kỷ niệm 50 đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 – 10-5-2009), tôi may mắn được kỹ sư Phạm Gia Nghi ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, ông bồi hồi kể cho nghe câu chuyện về chiếc “Đèn rùa” một trong những kỷ vật kháng chiến đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam:

  • Năm 1965, tốt nghiệp khoá 6, khoa cơ khí động lực Trường đại học Bách khoa, tôi cùng hơn 600 kỹ sư trẻ của nhiều trường đại học tại Hà Nội được nhập ngũ. Tôi về Cục quản lý xe máy, Tổng cục Hầu cần. Thời gian này, tuyến đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đã qua giai đoạn gùi thồ thô sơ và chuyển sang vận tải bằng cơ giới. Nhưng đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá ác liệt, suốt ngày đêm gây cho ta tổn thất rất nhiều. Vì ô tô chạy ban ngày địch phát hiện đã đành nhưng chạy ban đêm nếu bật đèn chúng vẫn thấy và bắn phá. Có đơn vị chở hàng vào, khi ra chỉ còn một phần ba số đầu xe. Dù sao vận tải ban đêm vẫn an toàn hơn ban ngày, ta làm đèn gầm lắp ở đầu xe, chỉ có một quầng ánh sáng nhỏ phía trước để quan sát. Nhưng khi xe lên dốc đèn gầm chiếu thẳng lên trời địch vẫn phát hiện mà oanh kích.

Trước tình hình đó, cấp trên giao nhiệm vụ cho Cục quản lý xe máy phải nghiên cứu ra một loại đèn cho ô tô chạy đêm trên đường Trường Sơn mà địch không phát hiện ra. Chúng tôi được chuyển vào ở hẳn trong Thành nội cùng cơ quan Bộ quốc phòng rồi sưu tầm các loại đèn ô tô mà quân đội các nước chế tạo trong đại chiến thế giới thứ hai nhưng không thành công. Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối năm 1966, chúng tôi thấy muốn địch không phát hiện ra thì phải dấu được điểm phát sáng, muốn dấu điểm phát sáng thì kính đèn phải tạo ra tia sáng có đường pa-ra-bôn. Ban đầu chúng tôi lên Z 157 ở Sơn Tây sản xuất thử 10 chiếc bằng cách gò hàn rồi lắp vào 10 xe ô tô để chạy thử. Đó là một đêm mà suốt đời tôi không thể nào quên được, trên trời có máy bay của ta bay quan sát, ở dưới các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa phòng không sẵn sàng chiến đấu đề phòng máy bay địch ập đến, các tổ thông tin triển khai liên hoàn bảo đảm liên lạc trực tiếp giữa mặt đất và trên máy bay. 10 chiếc ô tô chạy qua lại nhiều lần trên đoạn đường định sẵn nhưng máy bay không phát hiện được. Sau đó, chúng tôi mang 10 chiếc đèn vào đường Trường Sơn cho hai tiểu đoàn 102 và 52 chạy thử. Cùng với máy bay Mỹ quần đảo trên trời, đơn vị còn bố trí nhiều tổ chốt rồi thông báo tọa độ xe đang chạy nhưng đều an toàn, các chiến sĩ lái xe rất phấn khởi.

Từ kết quả trên, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các Bộ khác giao cho mỗi nhà máy một chi tiết để sản xuất hàng loạt; như thân và chân đèn do Nhà máy cơ khí Hà Nội đảm nhiệm (chân đèn ban đầu cao 15 cm, sau đổi thành 25 cm), bóng đèn 35 oát có ngạnh cài Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông sản xuất, điện trở để thay đổi mức ánh sáng mờ, tỏ của Nhà máy Bưu điện truyền thanh, Hợp tác xã gốm sứ Bát Tràng làm lẫy điện trở, Nhà máy Thuỷ tinh Hải Phòng dùng kính thường nung nóng rồi ép thành đường pa ra bôn… Tất cả chuyển về hai Nhà máy Z 137 (Cầu Diễn) và Z 117 (Phù Lỗ) lắp ráp. Đèn được trang bị đầy đủ cho các sư đoàn ô tô vận tải thuộc binh đoàn Trường Sơn và phát huy hiệu quả tốt. Hai tiểu đoàn 102 và 52 sau này được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Ban đầu đèn có tên gọi là Công trình C35, sau đổi thành Đèn ngụy trang ánh sáng. Nhưng vào đến chiến trường, bộ đội ta gọi là “Đèn Rùa”, vì nó rất giống con Rùa (cao 25 cm, hình ô van, chiều dài nhất khoảng 25 cm) và được giữ bí mật tuyệt đối. Mãi năm 2005, Bảo tàng Quân sự Việt Nam đem ra trưng bày chung với các loại đèn khác gọi là; Những ngọn đèn kháng chiến thì Bộ Quốc phòng mới cho công bố và được trao giải cấp Nhà nước, tôi được suy tôn là chủ Công trình.

Tô Kiều Thẩm