Sự răn đe nguy hiểm
Đám mây hình nấm từ vụ thử bom hydro đầu tiên năm 1952.
Từ khi loài người có vũ khí hạt nhân, đã có rất nhiều vụ thử nghiệm được các nước có tiềm năng tiến hành, nhưng mới chỉ có hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945, gây chết chóc kinh hoàng và hậu quả còn kéo dài mãi tận đến hôm nay. Vũ khí hạt nhân từ đó đã trở thành công cụ răn đe mạnh nhất khiến nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn loại vũ khí nguy hiểm này của thế giới bị đẩy lùi.
Chính Tổng thư ký Liên Hợp quốc - Antonio Guterres đã nêu mối quan ngại này trong bài phát biểu ngày 2-10-2020 tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm và thúc đẩy ngày quốc tế về loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 75. Ông Guterres lo lắng là hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế cho thấy ngày càng có nhiều quốc gia coi vũ khí hạt nhân như một phần của chiến lược chiến tranh, chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp tự vệ hay răn đe.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kho dự trữ vũ khí hạt nhân toàn cầu vẫn đứng ở mức 13.400 đầu đạn ngay cả khi Chiến tranh Lạnh đã lùi xa ba thập niên. Hai cường quốc hạt nhân Mỹ và Nga vẫn tiếp tục nâng cấp và làm mới kho vũ khí của mình, dẫn tới số lượng đầu đạn hạt nhân của hai nước này tuy giảm song lại có mức độ nguy hiểm hơn nhiều. Các quốc gia khác cũng không khoanh tay đứng nhìn khi sẵn sàng dốc hàng tỷ USD vào những chương trình hiện đại hóa các kho vũ khí. Chính việc các quốc gia đang ngày càng có xu hướng coi vũ khí hạt nhân là con bài bảo đảm an ninh khiến thế giới tiếp tục phải sống nơm nớp trong nỗi lo thảm họa hạt nhân có thể xảy ra. Đồng thời, điều này cũng dẫn các quốc gia vào vòng xoáy của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nhằm sở hữu những vũ khí nhanh hơn, tàng hình hơn và chính xác hơn.
Vũ khí hủy diệt sẵn có cùng những căng thẳng và sự mất lòng tin ngày càng gia tăng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khiến thế giới đang phải đối mặt với hiểm họa hạt nhân ngày càng lớn. Chẳng ai chắc chắn cho an toàn của các kho vũ khí này vì chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu một sơ suất nhỏ xảy ra trong quá trình sản xuất, bảo dưỡng. Cũng chẳng ai có thể nói chắc loại vũ khí này không thể rơi vào tay khủng bố hay các thế lực xấu. Chẳng ai tin tưởng lãnh đạo của một nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ luôn giữ cái đầu lạnh, suy nghĩ thấu đáo trước khi khai hỏa loại vũ khí chết chóc này. Cũng chẳng ai có thể chắc chắn về hòa bình khi mà chỉ mới đây, các quốc gia hạt nhân như Ấn Độ và Pakistan vẫn còn xảy ra những vụ đụng độ. Cũng chẳng ai có thể bảo đảm thế giới không bước vào một kỷ nguyên hạt nhân mới khi Mỹ sẵn sàng xé bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga từ nhiều năm trước và đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vốn có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân.
Đã vậy, hiệp ước cắt giảm vũ khí duy nhất có thể kiểm soát được quy mô các kho vũ khí hạt nhân của thế giới, gọi tắt là Hiệp ước START mới hay START-3, đang có nguy cơ bị “khai tử” khi Nga và Mỹ, hai cường quốc đứng đầu về vũ khí hạt nhân, vẫn chưa nhất trí về việc gia hạn hiệp ước này. Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là START-3 sẽ hết hiệu lực. Nếu không được gia hạn, đây sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Thế giới sẽ đứng trước nguy cơ quay trở lại cuộc chạy đua chiến lược không có kiểm soát nếu không có các bước đi phù hợp. Đây cũng là lý do vì sao LHQ hối thúc các cường quốc hạt nhân như Nga và Mỹ cần gia hạn hiệp ước START mới ngay lập tức vì hòa bình và an ninh quốc tế. Thế nhưng, một khi INF đã bị “vứt vào sọt rác” thì cũng khó có thể lạc quan với số phận của START, bởi Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép để chiếm thế thượng phong trên bàn thương lượng về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược.
Vẫn biết, các quốc gia có quyền phát triển các loại vũ khí để răn đe và bảo vệ mình. Thế nhưng, vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và một số loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, vô nhân tính khác đã bị cấm và các quốc gia đã nhất trí sẽ nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Trong khi vũ khí hạt nhân không thể tiêu diệt được con virus SARS-CoV-2 bé xíu đe dọa nhân loại ngày nay thì việc đổ tiền hiện đại hóa vũ khí hạt nhân thực sự rất lớn và vô nghĩa bởi việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân có tầm quan trọng sống còn không chỉ đối với một quốc gia đơn lẻ mà đó là vì sự sống của cả loài người.
Thanh Huyền