“Sứ mệnh” loa phường
Ai đó đã cho rằng, loa phường là một di sản của thời kỳ bao cấp. Tôi thì không đồng ý như vậy (ý kiến cá nhân thôi nhé)!
Bản khảo sát của Sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội được đăng tải trên mạng Internet. Như vậy, đối tượng tham gia khảo sát là những người có sử dụng Internet làm phương tiện tiếp nhận thông tin. Đối tượng đó không đại diện cho tất cả mọi tầng lớp dân cư. Vẫn còn một lớp người tuổi cao, họ vẫn có nhu cầu về thông tin. Báo chí thì chỉ có những thông tin xã hội chung chung. Còn những thông tin ở phường ở khu phố họ sống, họ biết tìm ở đâu nếu không có cái loa phường? Đơn cử như những cán bộ hưu trí, mỗi tháng họ có ít nhất 1 thông báo “đặc biệt” đáng quan tâm. Đó là thời gian thanh toán lương. Nếu không còn hệ thống loa phường, thông tin này sẽ được phổ biến như thế nào, để vừa nhanh, vừa tốn ít công sức?
Ngoài thông tin “đặc biệt” kia, còn rất nhiều thông báo thiết thực khác liên quan cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân trong phường. Ở độ tuổi hưu trí, khi người ta dần thu hẹp mối quan tâm, họ thường hướng về những cộng đồng nhỏ hơn. Và như thế, loa phường trở nên một kênh thông tin hiệu quả.
Ở đâu đó, ngoài mục đích thông báo các thông tin của địa phương, người ta còn sử dụng loa phường để quảng bá các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật “cây nhà, lá vườn”. Văn nghệ quần chúng vừa tạo được niềm vui cho các cụ, vừa làm phong phú thông tin, lại vừa thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa địa phương của cộng đồng dân cư.
Tất nhiên, bên cạnh những điểm “ưu việt”, hệ thống loa phường có thể tồn tại vài “thứ” làm người ta chưa hài lòng. Ví như chuyện không ít người bị “đánh thức” theo cách không mong muốn bởi loa phường. Ví như chuyện những người bị “ép” tiếp nhận thông tin từ loa phường...
Loa phường cũng chả khác gì “dâu trăm họ”, chẳng bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vì thế, cách tốt nhất là cải tiến loa phường để nó phục vụ hiệu quả hơn cho những người còn có nhu cầu, bớt gây “khó chịu” cho những người không “ưa” loa phường.
Huy Đăng