Sự kỳ lạ của... cảm hứng
“Truyền cảm hứng” là một từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng Internet hiện nay. Năm 2018, Việt Nam giành được rất nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều thành tựu vượt xa mong đợi. Người ta nói, đó là vì chúng ta đã có những người truyền cảm hứng xuất sắc.
Ví dụ như những thành tích tuyệt vời của môn bóng đá nam trên đấu trường châu lục. Đầu năm, đội tuyển U23 giành ngôi Á quân như mơ trên đất Trung Quốc. Giữa năm, chúng ta lọt vào Top 4 giải ASIAD. Cuối năm, chúng ta vỡ òa khi vô địch AFF Cup 2018. Và hiện nay, chúng ta bay bổng với kỳ tích lọt sâu vào ASIAN Cup 2019. Người ta rất lấy làm lạ, cũng vẫn những cầu thủ ấy, mới ít tháng trước còn thi đấu vật vờ, thua te tua, thậm chí đấu với những đội bóng “tí hon” trong vùng trũng Đông Nam Á còn vã mồ hôi và suýt thua trận, thì bỗng nhiên vụt lớn như “Phù Đổng”, đánh đâu thắng đấy trên khắp châu lục.
Rõ ràng, Huấn luyện viên Park Hang Seo là người biết truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các cầu thủ. Bí quyết không có gì lạ, ông khuyến khích các cầu thủ sự tự tin và đoàn kết, vào trận là chơi bóng hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc và không phải lo gì thành tích cả. “Việc gì phải buồn khi mình đã thi đấu hết sức, với những khả năng tốt nhất của mình” - lời động viên của ông đến các cầu thủ U23 sau trận chung kết giải U23 châu Á, chính là câu nói đem lại cảm hứng mạnh mẽ cho các tuyển thủ.
Trong đời sống chính trị - xã hội, người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất không ai khác chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - người được nhân dân trao tặng danh hiệu “người đốt lò vĩ đại”. Khi người dân thiếu niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bằng những hành động chỉ đạo âm thầm nhưng kiên quyết của mình, đưa ra ánh sáng những vụ đại án còn nằm trong bóng tối. Quan điểm “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tiêu cực cũng được khẳng định bằng việc nhiều quan chức cấp cao, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng bị xử lý. Rồi khi có những phát biểu của cán bộ, đảng viên nói rằng, việc chống tham nhũng làm nhiều cán bộ, công chức, viên chức “chùn bước”, không linh hoạt sáng tạo trong thi hành công vụ thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên tiếng: “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Chính những lời nói và việc làm đó, giúp cho người dân được truyền niềm tin vào Đảng, Nhà nước, niềm tin vào thắng lợi của công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng. Và trên thực tế, với những thành tựu tuyệt vời, toàn diện của năm 2018 đã càng củng cố niềm tin trong người dân, rằng chống tham nhũng không làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo động lực và nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cảm nhận rõ quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị liêm khiết của Việt Nam và đó là sự thôi thúc để họ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Người truyền cảm hứng cần có phẩm chất và bí quyết gì? Đã có một câu trả lời vui vui là, người truyền cảm hứng chẳng cần làm gì cả. Câu này có vẻ đúng. Ví dụ, trong bóng đá, khi Câu lạc bộ MU của Anh thi đấu bết bát khiến Huấn luyện viên Mourinho bị sa thải, Huấn luyện viên mới là Solskjaer hầu như không thay đổi gì nhiều về đấu pháp, ông chỉ khuyên các cầu thủ hãy cố gắng thể hiện những phẩm chất tốt nhất của mình khi thi đấu, thế là MU thắng liên tục 7 trận liên tiếp. Hay như đội Thái Lan ở ASIAN Cup 2019 vừa qua, trận đầu ra quân dưới quyền chỉ đạo của một Huấn luyện viên “có số má” của làng túc cầu thế giới thì đội này thua 1-4 đầy đau đớn trước Ấn Độ. Khi người trợ lý của ông lên thay quyền Huấn luyện viên (ông này còn chưa có bằng HLV), tâm lý cầu thủ thay đổi, lập tức Thái Lan giành vị trí nhì bảng để tiến vào vòng sau.
Ở Việt Nam ta thời kỳ đầu đổi mới, có phóng viên hỏi một đồng chí lãnh đạo là phải làm gì để “dân giàu, nước mạnh”?. Đồng chí lãnh đạo này nói: “Chỉ cần giao đất cho dân, để họ tự suy nghĩ trên mảnh đất của họ và đừng “hành” họ bằng những thủ tục hành chính nhiêu khê thì tự khắc người dân sẽ biết làm gì để giàu”. Nói vậy là nói vui, nhưng không phải không có lý. Một khi người dân được bảo đảm an ninh, toàn tâm toàn ý lo làm kinh tế thì hoặc là giàu, chí ít cũng đủ ăn. Kinh tế thị trường vốn có “bàn tay vô hình” điều khiển, vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước chỉ cần bảo đảm khắc phục những mặt trái của thị trường, chống bất công cho người lao động thì sẽ có định hướng XHCN mà không cần phải làm gì nhiều. Lo nhất là các Bộ, ngành quản lý nhà nước cứ nghĩ ra đủ thứ “giấy phép con” để tạo đất cho độc quyền, tạo môi trường nhũng nhiễu người dân mà thôi!
Mới thấy, công việc truyền cảm hứng có điều kỳ lạ. Nó nằm ở chỗ “không làm gì cả” mà vẫn truyền được cảm hứng. “Không làm gì cả” là một nghệ thuật, một quy luật truyền cảm hứng. Một nhà văn quân đội khi được hỏi bí quyết về bí quyết lãnh đạo các nhà văn vốn nổi tiếng ương ngạnh, gai góc đã nói: “Bí quyết lãnh đạo của tôi là tôi không lãnh đạo gì cả”. Xét về triết học, đó chính là nhà văn này đã nắm được cái “thần” của nghệ thuật truyền cảm hứng.
Nguyễn Hồng