Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong

Sông Mekong chảy qua 6 nước, gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương. Cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương được hình thành từ tháng 11-2015. Hội nghị đầu tiên của các nhà lãnh đạo tổ chức vào tháng 3-2016 tại Hải Nam (Trung Quốc). Giống như Cộng đồng ASEAN, Hợp tác Mekong - Lan Thương cũng tập trung vào ba trụ cột chính gồm chính trị-an ninh, kinh tế và các vấn đề văn hóa-xã hội. Năm lĩnh vực hợp tác gồm kết nối, thúc đẩy năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế, quản lý nguồn nước và nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương tuân thủ theo tinh thần “mở” và “bao trùm”, bổ sung cho các cơ chế hợp tác tiểu khu vực hiện hành như Tiểu vùng Mekong, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và Ủy hội sông Mekong quốc tế. Các quốc gia Mekong chia sẻ một tầm nhìn, đó là xây dựng một cộng đồng tương lai hòa bình và thịnh vượng chung.
Việt Nam cho rằng cơ chế hợp tác giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong cần chú trọng quản lý, sử dụng một cách khoa học và bền vững nguồn nước sông Mekong, trong bối cảnh hạn hán và xâm mặn ngày càng nghiêm trọng ở các nước hạ lưu sông. Đây là lĩnh vực hợp tác ưu tiên hàng đầu của 6 nước Mekong - Lan Thương. Ngoài ra, thúc đẩy kết nối kinh tế trong tiểu vùng, hợp tác sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đề xuất ba dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án sớm triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong - Lan Thương. Đó là: Dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mekong - Lan Thương; dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng; dự án thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong. Cả ba dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong - Lan Thương.
Đăng Song