Sư đoàn tình yêu của tôi (14/01/2011)
Cơ quan Sư đoàn bộ đóng quân ở thôn Ngô Thượng, còn đội văn nghệ xung kích của Sư đoàn ở thôn Ngô Hạ, cũng là làng trên xóm dưới của xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư cả. Lúc ấy, tôi là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sư đoàn, lẽ ra cũng ở trên Ngô Thượng với Phòng Chính trị, song vì bộ đội đang từ chiến đấu ở chiến trường, nay về lao động với nhân dân ở hậu phương, Sư đoàn chủ trương tổ chức đội văn nghệ đậm đà tình quân dân, nên cử tôi xuống, cùng nhạc sĩ Văn Thành Nho sáng tác và dàn dựng chương trình.
Chúng tôi đã ở Ngô Hạ được vài tháng. Cái xóm quê hẻo lánh ấy như bừng lên từ khi chúng tôi về. Tiếng đàn, tiếng hát, những tối tập luyện tiết mục ồn ã trên sân làng, đặc biệt là phong cách lịch lãm của những chàng lính văn nghệ đã làm cho bà con rất gần gũi thân thiết với anh em. Và ai đã là người lính, từng dừng chân qua mỗi thôn làng những năm chiến tranh, đều biết khi bà con đã thương yêu, thường rất muốn vun vén cho những đôi lứa, rất muốn người lính ấy trở thành con rể của làng mình… Gia đình ông bà chủ tôi ở (tên là ông bà Đế) cũng vậy. Biết tôi bố mẹ mất sớm, chưa có vợ, ngoài người chị gái ở quê đã lấy chồng, không còn ai, hiện cũng không có nhà cửa gì cả, một bữa, ông bà nói với tôi:
- Gặp chú, lại nghe kể về hoàn cảnh của chú, chúng tôi thấy chú mà về làm rể ở nhà kia (bà Đế chỉ sang một ngôi nhà bên cạnh) thì rất hợp….
Tưởng ai, hoá ra là nhà bà Nhúng – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã, một người phụ nữ hiền lành, chất phác, hết lòng giúp đỡ bộ đội những ngày mới về đây. Lính văn nghệ chúng tôi ngày nào chả “sà” vào ngôi nhà tuyềnh toàng ấy, để bà “bắt” ăn một củ khoai, hoặc một đĩa lạc luộc. Nhưng… chúng tôi vẫn thấy bà ở một mình, có cô con gái nào đâu? Bà Đế cười trách:
- Các chú thật vô tâm! Ông ấy đi bộ đội, cũng mới ở mặt trận ra để học hành gì đó, còn cô con gái đang đi học chuyên nghiệp…
Cũng may, chúng tôi tới đóng quân vào dịp hè, nên năm bữa nửa tháng sau, cô gái về nghỉ. Chuyện bung ra, song chúng tôi vẫn im lặng thăm dò nhau. Vẻ hiền dịu trung thực của cô gái, cộng với hoàn cảnh phù hợp của gia đình, khiến tôi ưng ý. Nhưng đấy là mình nghĩ, còn “người ta” nữa chứ? Phải thử lòng xem sao? Một bữa, cô gái ra rửa bát (hai gia đình chung một cầu ao), tôi cũng cà cẫm xuống vờ rửa tay. Nhìn quanh không có ai, tôi ỡm ờ nói nhỏ:
- Hiên này (tên cô gái là Hiên), từ hôm em về, anh mất ngủ ghê quá..
Cô gái cười, im lặng – cái im lặng bằng lòng? Trong lúc tôi mới ướm thử, chưa biết sẽ chính thức ngỏ lời ra sao, thì ông bà Huyên, ông bà Đế (là cô và chú ruột Hiên) đã “đánh tiếng” với bà mẹ; anh Hà Cự, anh Ngô Luân, anh Tân, anh Anh, anh Hậu (cán bộ Phòng Chính trị) rồi, anh Văn Thành Nho cùng ba chục diễn viên thông qua các gia đình mình ở, đều đồng thanh “vun vào”. Chuyện sắp ổn thì có ý kiến bên họ hàng nhà gái nêu ra: “Sao “già” thế mà lại chưa có vợ? Phải xem anh ấy đã xây dựng gia đình lần nào chưa chứ…”.
Cũng là tại tôi, tròn 30 tuổi, nhưng mặt mũi vêu vao, xấu xí, da đen, lại vừa ở chiến trường ra, nên trông cứ như “ông bốn mươi” thật!... Vợ chưa có, song tôi đã qua hai lần yêu là có thật. Xin kể để bạn hiểu cho lý do muộn mằn của tôi: Lần thứ nhất tôi yêu là cô học sinh hoa khôi (ấy là bè bạn tán vậy) ở trường tôi dạy, tên là Ngô Thị Thanh Xuân. Thầy yêu trò là … “đáng phạt” rồi, song các bạn thông cảm: ngày ấy, tuổi giáo viên - học sinh chênh lệch chẳng là bao. Đầu năm 1967, hai chúng tôi cùng tiễn nhau, cô ấy đi học bưu điện - truyền thanh, còn tôi vào bộ đội. Gần 5 năm xa nhau - khi tôi ở Khu 4, khi sang chiến trường Lào, nhưng thư từ vẫn trao đổi đều đặn, vẫn hẹn nhau có dịp thuận lợi sẽ làm lễ cưới. Và dịp ấy đã đến, đó là cuối năm 1971, Sư đoàn rút khỏi chiến trường Lào, ra củng cố xây dựng lại lực lượng, chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị. Cô Xuân thì cũng đã ra trường đi nhận công tác mới. Chúng tôi đã xin phép hai gia đình, đã định ngày cưới, đã sắm sanh một số vật chất cần thiết, nhưng đúng cái tuần Sư đoàn cho về phép để cưới vợ, thì gia đình bên nhà gái lại đề nghị hoãn. Không có lý do chính đáng gì cả, chỉ thấy những lời xì xào chung quanh rằng: “Cưới xong, lại đi chiến trường biền biệt thì biết thế nào?...”. Lòng tự trọng của người lính bị xúc phạm, tôi “giải tán” ngay số chè, thuốc. Gặp Xuân chỉ nói 1 câu “vĩnh biệt”, rồi đùng đùng bỏ về đơn vị. Suốt tuần sau đó, tại Sư đoàn, tôi nhận liền 3 bức điện của Xuân - lại giục về cưới. Anh Phạm Thế Trụ - Trưởng ban Tuyên huấn, cùng hai bạn thân Nguyễn Đức Mậu và Hà Đình Cẩn cũng khuyên tôi trở về. Nhưng tôi không chỉ nóng tính mà còn rất kiên quyết nữa… Và chúng tôi đã xa nhau từ đấy….
Lần thứ hai là vào năm 1973, tiện theo một chiếc xe từ mặt trận Quảng Trị ra Hà Nội nhận tài liệu địch vận, tôi có ghé thăm quê Vân Tư, Phú Xuyên của tôi. Vừa về đến nhà chị gái, nghe tin ông Sính ốm nặng, sắp mất, tôi vội vàng lên thăm. Thấy tôi, ông tỉnh lại hẳn, gọi vội cô con gái “cưng” nhất của ông tên là Nguyễn Thị Sáng – đang học sư phạm 10+3 tới, nói đại ý rằng ông sắp chết, trước khi chết ông muốn hai đứa sẽ là bạn đời của nhau. Thú thực phút ấy, nghĩ đến thân phận người lính lênh đênh, hay bị hạnh phúc hắt hủi, nghĩ đến cảnh ngộ mình, tôi không cầm được nước mắt. Tôi thưa với ông rằng, tôi rất cảm động trước tấm lòng của ông, rất sung sướng nếu được thực hiện ý nguyện này, song còn Sáng, còn gia đình? Ông hỏi ngay Sáng - Sáng thưa với ông là ý nguyện của ông cũng chính là mong ước của cô… Đêm ấy, ông qua đời. Sáng trao cho tôi tấm khăn tang và qua trao đổi, tôi mới biết Sáng rất yêu tôi, và yêu đã từ lâu…. Chuyện tưởng đến thế thì không thể lỡ dở được nữa, song trở lại Quảng Trị ít ngày, lại có tin gia đình Sáng định gả Sáng cho chỗ khác. Tôi hỏi Sáng, Sáng nói đúng là cô đang phải chịu một sức ép như vậy, cô an ủi tôi cứ kiên nhẫn chờ đợi, cô sẽ tìm cách vượt qua. Nghĩ đến những năm yêu Xuân và chờ đợi, tôi thấy ngại những mối tình âm ỉ kéo dài, tôi thống nhất với Sáng sẽ chờ một năm, nếu Sáng chưa thuyết phục được gia đình, thì phải đành chia tay nhau. Rồi thời gian ấy đến, Sáng chẳng những không thuyết phục được, mà sức ép nghe chừng càng lớn hơn, một lần nữa tôi lại “nổi nóng”, quyết định chia tay hẳn…
Chuyện muộn mằn vợ con của tôi là vậy, song lúc ấy tôi không thể kể ra. Tôi lên Bộ tư lệnh Sư đoàn (ngày đó còn gọi là Bộ tư lệnh) kể lại với các đồng chí về yêu cầu của nhà gái. Chính uỷ Nguyễn Xuyên (sau này là Thiếu tướng - Chủ nhiệm Chính trị Học viện quốc phòng) cười:
- Yên trí, mai chúng tớ sẽ đến. Chẳng lẽ Chính uỷ Sư đoàn đứng ra “bảo lãnh” gia đình vẫn chưa tin?
Hôm sau, Chính uỷ Xuyên đến thăm bà mẹ vợ tương lai của tôi, ông nói chuyện dài dài, cuối cùng đùa vui:
- Bác ạ, nó là “cục vàng” đấy!...
Hôm sau nữa, họ hàng nhà gái họp, Phó Chính uỷ Sư đoàn Đỗ Trường Quân (sau là Thiếu tướng - Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ Quân sự Trung ương ) lại cùng một số cán bộ của Phòng Chính trị sang. Ông Quân kể 8 năm trước, về tuyển quân ở huyện tôi, ông không những nhận mặt, xem lý lịch, còn xuống tận làng xã tìm hiểu kỹ gia cảnh của tôi nữa… Thế là mọi thắc mắc được giải quyết, chỉ còn một việc: Bố vợ tôi đang học ở Học viện Chính trị, chúng tôi không thể không lên trình diện, xin ý kiến. Sư đoàn giục tôi nên đi ngay. “Ngài” thiếu tá Nguyễn Văn Thân (bố vợ tôi); nhìn thấy “viên trung uý già nua” lạ lẫm, đứng bên cô con gái duy nhất của mình, chắc không ít phân vân, song ông hiền lành, lại từng trải cách mạng, nên chỉ nói: ‘Hạnh phúc của anh chị, anh chị quyết định là chính…”. Trở lại Hoa Lư, Sư đoàn báo tin tôi đang có quyết định điều động lên công tác ở Báo Quân đội nhân dân và khuyên tôi cưới luôn cho gọn. Tôi đồng ý, Phó chính uỷ Đỗ Trường Quân lại bảo: “Mai mình về Hà Nội họp, có ra ngoài ấy bàn bạc với gia đình và mua sắm hàng cưới, thì đi luôn cho tiện?”.
Phó chính uỷ Quân đưa tôi về tận nhà, thay mặt đơn vị trao đổi với chú An và chị Đám tôi kế hoạch cưới của tôi, hôm sau lại đón tôi về Ninh Bình. Ở đây, cơ quan Phòng Chính trị và đội văn nghệ đã lo chu tất mọi mặt. Và ngày 27-9-1974, lễ cưới giản dị mà đông vui của chúng tôi đã được tổ chức tại Sư đoàn. Họ nhà tôi có cụ Sang, chú Thế, anh chị Bộ, ông anh rể Hoàng Khâm và mấy người thân khác về dự. Đại diện chính thức cho nhà trai trong hôn lễ này, vẫn là Phó chính uỷ Đỗ Trường Quân và cơ quan Phòng Chính trị Sư đoàn…
NGUYỄN PHÚC ẤM