Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII xác định, một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm cần đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả là: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng nước ta. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua thử thách. Biểu hiện rõ nhất là quyết tâm tiến hành cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6-1-1946 để bầu ra Quốc hội. Khó khăn mọi bề là vậy, nhưng Người đã thể hiện nghệ thuật tài tình trong việc hội tụ nhân dân cả nước để có một Quốc hội bao gồm những người tiêu biểu, đại diện cho các giai tầng và nhân dân cả nước.

Lúc đầu, nhiều người còn ngại tham gia ứng cử, nhưng được sự khích lệ của Bác Hồ và trong bầu không khí dân chủ mới, nhiều vị đã mạnh dạn ra tranh cử. Những người ra ứng cử thuộc đủ mọi tầng lớp và thành phần giai cấp, như: Các nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô; những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Thai Mai, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát; những nhà tu hành như Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng tọa Thích Mật Thể, Chưởng quản Cao Đài Cao Triều Phát, có cả những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ như Thượng thư Bùi Bằng Đoàn…

Tổng số đại biểu Quốc hội là 403, trong đó có 333 đại biểu được bầu bao gồm Việt Minh 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế... Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách) và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Ðảng (Việt Quốc). Việc này thể hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh về hòa hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là cách xử lý khôn ngoan của Bác Hồ.

Tôi nghĩ rằng, ở Đại hội XII này, hơn lúc nào hết, đòi hỏi phải học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng tâm nhất trí phát triển kinh tế, chăm sóc đời sống của nhân dân, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.

Dân chủ và sáng tạo của nhân dân là yếu tố quyết định

Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên và cũng là sự chỉ đạo mọi hành động của Đảng ta trong quá trình xây dựng lực lượng cách mạng. Người đã chỉ rõ: Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân.

Đến hôm nay, Đảng ta vẫn luôn khẳng định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có dân chủ thì mới phát huy tối đa quyền làm chủ và sức sáng tạo của nhân dân. Điều quan trọng là phải có những cơ chế, chính sách, phải kịp thời ban hành các văn bản pháp luật của Nhà nước. Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo để phát triển.

Phải tạo cơ chế để phát huy tối đa sức sáng tạo của nhân dân thông qua các hoạt động xã hội hóa. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn.

Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nhân dân ước vọng, Đại hội XII có những chủ trương và biện pháp thiết thực để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, phát huy tác dụng các hiệp định mà Việt Nam tham gia ký kết, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể xã hội

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là nhân tố quan trọng để tập hợp, động viên và lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động hữu ích.

Đại hội XII cần quan tâm tới những chủ trương và biện pháp chủ yếu sau:

  • Xây dựng những chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

  • Phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nhiều thành phần, lấy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ trung tâm; gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội.

  • Phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương. Có cơ chế cụ thể phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng; mở rộng dân chủ, khuyến khích sáng tạo, phát minh, sáng kiến và bảo vệ sở hữu trí tuệ; mở rộng vai trò tư vấn, phản biện của các hội khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn và văn học nghệ thuật chuyên ngành đối với các đề án phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội.

  • Ðẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và các tổ chức nhân dân. Sớm sửa đổi, bổ sung và ban hành các luật liên quan.

  • Ða dạng hóa các hình thức tuyên truyền, mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước; trách nhiệm công dân; đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong nhân dân. Giáo dục ý thức chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội và đề cao ý thức cộng đồng trách nhiệm.

Đại hội XII cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện phản biện xã hội. Để phản biện xã hội đi đúng hướng và có hiệu quả, cần sớm ban hành một đạo luật về vấn đề này.

Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định

Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng là yếu tố quan trọng để Đảng thật sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội lần thứ XII của Đảng cần kiên trì thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong toàn Ðảng là nền tảng cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Cần có cơ chế cụ thể để động viên nhân dân tham gia xây dựng Ðảng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng để phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Cách đây 30 năm, Đại hội VI của Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, phê phán thói quan liêu, kiêu ngạo, xa dân… của một bộ phận cán bộ, đảng viên để đưa chúng ta trở về với thực tiễn cuộc sống. Vì thế đã mở ra công cuộc đổi mới, tạo ra động lực phát triển cho đất nước.

Điều 4 của Hiến pháp 2013 đã ghi: “Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội và Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình, chịu sự giám sát của nhân dân”. Mong rằng, Đại hội XII của Đảng cần làm rõ nội dung quan trọng này.

Thực hiện chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ở góc độ truyền thông, mong rằng, Đảng cần công khai hơn nữa các hoạt động của mình với những nội dung hợp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách đúng nghĩa, thực chất và hiệu quả hơn.
Theo QĐND