Sinh thời, có lần Đại tá, nhà thơ Tạ Hữu Yên kể: Một buổi tối cuối năm 1967, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Tư lênh Quân chủng Phòng không-Không quân (PKKQ) được Bác Hồ gọi lên để trao đổi tình hình chiến sự, Bác đã tiên đoán:

  • Sớm muộn, đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị..
    Quả thực, với tầm bay cao, được nhiều loại máy bay tiêm kích và hệ thống gây nhiễu hiện đại bảo vệ, nên B.52 là một pháo đài bay được cho là không thể bị bắn rơi. Trước và sau cuộc chiến tranh Việt Nam, hầu như Mỹ chưa có một máy bay B.52 nào bị bắn hạ trên thế giới. Vâng lời Bác Hồ dạy, được sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân chủng PKKQ khởi thảo các kế hoạch để có thể "chọi lại" loại máy bay B.52 của Mỹ. Trong tháng 4-1972, đã có trận đánh của Bộ đội Tên lửa phóng 30 quả đạn nhưng không hạ được một chiếc B52 nào. Quyết tâm biến sở trường của địch thành sở đoản, Quân chủng PKKQ đã cử những đoàn cán bộ vào các chiến trường nghiên cứu cách chống nhiễu, đánh máy bay địch. Từ thực tế chiến trường, từng đoàn cán bộ nghiên cứu đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, xây dựng thành những cẩm nang “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B52 trong nhiễu”... và đặc biệt là cuốn sách “Cách đánh B52 của Bộ đội tên lửa”. Cuốn sách này có bìa màu đỏ, dày 30 trang đánh máy, là sự đúc kết kinh nghiệm, công sức, trí tuệ của một tập thể và phải đổi bằng cả xương máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ; còn được gọi là “Sách đỏ diệt B52”...
    Đến tháng 5-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra một câu hỏi với cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng PKKQ:
  • "Tỷ lệ B.52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua".
    Cho đến lúc này, những phương án đánh B.52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày, nhưng chưa nói đến chỉ tiêu về tỷ lệ bắn rơi B.52. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát hiện ra điều đó. Sau mấy ngày vật lộn với những con số, câu trả lời được các sĩ quan quân chủng đưa ra:
  • N1: Tỷ lệ Mỹ chịu đựng được là 1-2% (trên tổng số B.52 tham chiến).
  • N2: Tỷ lệ làm Nhà trắng rung chuyển là 6-7%.
  • N3: Tỷ lệ Mỹ thua cuộc là 10%.
    Câu hỏi tiếp theo của Đại tướng là Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Đây là một câu hỏi khó. Nó không thuộc cách giải bài toán của học sinh, sinh viên mà đòi hỏi câu trả lời là cách đánh, sự quyết tâm và bản lĩnh, ý chí chiến đấu của cán bộ chiến sĩ "đánh trận trên vùng trời cao những chín tầng mây".
    Câu trả lời của Quân chủng là: Thưa Đại tướng, chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3. Đại tướng nhận câu trả lời và chỉ thị: "Muốn vậy, Quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch đánh B.52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B.52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo".
    Cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PKKQ đã thực hiện xuất sắc chỉ thị của Đại tướng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52; đạt tỷ lệ là 17,6% (34 chiếc/193 chiếc B.52 Mỹ huy động cho chiến dịch). Hà Nội góp công bắn rơi 23 máy bay B.52 và đã làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy địa cầu. Sau sự kiện này, Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam từ ngày 30-12-1972, đi đến việc ký kết Hội nghị bốn bên về "Chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam" tại Pa-ri ngày 27-1-1973 và rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, dẫn tới Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
    Sự chỉ đạo cụ thể, sáng suốt và những tình cảm nồng ấm của Người Anh Cả của toàn quân đã cùng quân và dân miền Bắc làm nên chiến tích đó.
    Bài và ảnh:
    Xương Giang