Sốt đất hạ nhiệt, dân đầu cơ vỡ mộng
Không còn cảnh mua bán đất “nhộn nhịp” như đầu năm 2021.
Trong cơn sốt đất vừa qua, nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất, tiền gửi ngân hàng cũng rút để đầu tư. Tuy nhiên, chạy theo cơn sốt đất không phải nhà đầu tư nào cũng đạt được mục đích, một số nhà đầu tư đến nay vẫn còn “mắc kẹt”, chấp nhận bán cắt lỗ.
Vỡ mộng vì sốt đất
So với thời điểm đầu năm, ghi nhận thực tế của chúng tôi tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội từng xảy ra sốt đất như: Ứng Hòa, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì… cho thấy không còn đất tăng theo giờ, theo ngày như thời gian trước, mà thay vào đó là cảnh ảm đạm, yên ắng. Cơn sốt đất hạ nhiệt, các giao dịch giảm đang khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên, nhiều trường hợp đứng trước cảnh “vỡ nợ” vì lỡ vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư vào đất.
Anh Nguyễn Văn Nam, một “cò đất” trú tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cho biết: Thời điểm cuối năm 2020, sau khi nắm bắt được thông tin Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất xây dựng sân bay thứ hai tại Ứng Hòa, nhiều nhà đầu tư tìm về các thôn, làng ở các xã thuộc huyện Ứng Hòa nhờ các môi giới bất động sản tại đây mua gom đất ruộng. Thời điểm đó, giá đất tăng lên từng ngày, một lô đất đấu giá phân lô có diện tích hơn 70m2, trong ngõ gần trung tâm thị trấn Vân Đình được chủ nhà phát giá 30 triệu đồng/m2. Nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền tỷ để đầu tư đón “sóng”.
Thế nhưng, sau khi Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) hoàn thành báo cáo thẩm định Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ GTVT và Hội đồng Thẩm định quy hoạch. Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, giai đoạn đến năm 2050 là sân bay thứ hai vùng Thủ đô thì các nhà đầu tư tức tốc bán tháo để giữ lại tiền.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Tiến, trú tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì cho biết: Tháng 2-2021, đất đai ở các khu vực ngoại thành Hà Nội bắt đầu lên giá. Thấy bạn bè mua đi bán lại mấy miếng đất mà thu lời từ 100-200 triệu đồng, tôi cũng vay mượn tiền của người thân, đầu tư một miếng đất với giá 1,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện các thủ tục sang tên mảnh đất được 5 ngày, có người đến trả giá gần 1,7 tỷ đồng. Thấy có dấu hiệu lời, tôi tiếp tục đem sổ đỏ đi vay vốn, mua thêm 1 miếng ở cạnh đó với giá 1,6 tỷ đồng. Nhưng chỉ một thời ngắn, thấy giá đất có vẻ chùng xuống, tôi rao bán, nhưng giá chỉ được 1,4 tỷ đồng/lô. Với tiền lãi ngân hàng hằng tháng và giá đất lại tiếp tục giảm, nên đầu tháng 5 vừa rồi đành chấp nhận bán lỗ 1 mảnh, mất gần 200 triệu đồng.
Trong cơn sốt đất xảy ra từ tháng 11-2020 đến 5-2021, rất nhiều người vì hám lợi, không nắm bắt thông tin chính xác đã vội đầu tư, nay đang ngồi trên lửa. Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa cho hay: Vào thời điểm tháng 4-2020, giá đất ở đây được đấu giá chỉ khoảng 400 triệu đồng/lô thì đến đầu năm 2021 đã tăng lên đến 1,2 tỷ đồng/lô. Nhiều người vay mượn của bạn bè, người thân và “cắm” cả sổ đỏ để đầu tư mua đất.Ai ngờ khi làm thủ tục xong và bàn giao tiền thì giá đất lại giảm, chào bán không có ai mua.
Theo dõi, kiểm soát, tránh để sốt đất ảo
Trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại các địa phương, Bộ Xây dựng khẳng định: Những chỉ số cơ bản của thị trường bất động sản như: Nguồn cung, lượng giao dịch, vốn đầu tư, tín dụng, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, cần có sự theo dõi, kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương để tránh tình trạng “sốt” đất nền lan rộng, dẫn đến mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” bất động sản. Thời gian qua, nhìn chung giá bất động sản đều tăng và có hiện tượng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực của các địa phương.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các địa phương tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh; trong đó có chủ trương đầu tư các dự án lớn về phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng xã hội..., nhưng lại chưa thông tin công khai, định hướng kịp thời cho người dân. Do đó, giới đầu cơ lợi dụng tung tin, đồn thổi đẩy giá bất động sản. Các biện pháp quản lý cũng chưa chặt chẽ nên xuất hiện tình trạng nhà đầu tư, người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách, phân lô, bán nền tại những khu vực chưa được đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng; thực hiện mua đi, bán lại, giao dịch trao tay nhiều lần để đẩy giá.
Bộ Xây dựng nhận định: Thị trường bất động sản những tháng qua vẫn còn khó khăn và biến động, nhất là việc tăng giá mạnh đất nền diễn ra cục bộ tại một số khu vực. Tuy nhiên, nhờ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường bất động sản vẫn phát triển ổn định.
Về giải pháp trong thời gian tới, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách, triển khai có hiệu quả các chính sách, nghị định mới ban hành về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện quy định pháp luật để công bố hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: Hiện giá bất động sản nhiều nơi đang không phản ánh đúng giá trị thực. Do đó, các nhà đầu tư cần chú ý đến việc định giá sản phẩm, tìm hiểu thông tin chính thống từ cơ quan chức năng trước khi mua đất, tránh bị nhiễu loạn từ tâm lý đám đông để rồi chịu những hậu quả nặng nề.
Bài và ảnh: Võ Hóa