Chị Song Thao quê xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, bố hy sinh, được 4 tháng tuổi mẹ đi lấy chồng, hai chị em sống với ông bà nội. Nhiều hôm bà bế cháu đi hàng xóm xin sữa. Cháu khóc bà cũng khóc. Ông bà bữa rau, bữa cháo nuôi hai chị em khôn lớn. Song Thao có một tuổi thơ cơ cực thiếu thốn tình cảm cả cha lẫn mẹ. Học từ cấp 1 đến cấp 3 không có một chiếc xe đạp mà đi. Trường xa nhà đến 5-6 km ngày ngày mưa cũng như nắng đều đi bộ. Hai chị em chỉ có một cặp sách, thay nhau. Lên cấp hai, cấp ba vào những tháng nghỉ hè hai chị em sang Hương Sơn ( Hà Tinh) mua mít, lên Thanh Chương mua khoai lang, ngày thường đi hải củi, cắt cỏ về bán kiếm tiền đi học.
Nhưng trời phú cho chị Song Thao có giọng hát rất hay. Chị là cây chủ lực đội văn nghệ nhà trường nên được thầy thương, bạn mến. Đặc biệt chị có giọng hát dân ca ai cũng mê. Thấy cháu hát dân ca hay một hôm chú Nguyện Thiện Tư ở Trại điều dưỡng thương binh 4 về đem cháu tuyển vào Đoàn dân ca Nghệ An. Nhưng khi xuống Vinh hai chú cháu đi lạc vào đoàn chèo. Thấy mọi người đang tập. Mê quá chị đứng ngoài cửa sổ xem. Nhiều diễn viên hát điệu luyện nam cung và lới lơ không được. Chị xin vào hát. Ông trưởng đoàn ngạc nhiên, Nghệ An có người hát chèo hay quá. Ông nhận vào đoàn chèo. Nhưng chú không cho bảo: “ giọng cháu phải vào đoàn dân ca”. Hôm sau chú đưa đi đến tuyển ở Đoàn dân ca. Họ bắt chị hát một số làn điệu cổ dân ca Nghệ Tĩnh. Thấy chị hát chuẩn mà hay họ đặc cách nhận ngay vào đoàn vừa đi biểu diễn, vừa học. Hồi đó đất nước đang khó khăn, mỗi tháng phải nộp cho Đoàn 15 kg gạo. Ở Đoàn dân ca được 3 tháng hoàn cảnh ông bà khó khăn quá. Thế là ông bà nói cháu nghỉ.
Học xong cấp 3, không có điều kiện học tiếp chị về làm ruộng giúp ông bà rồi lấy chồng. Một hôm hàng xóm có đám cưới, chị bồng con ra xem cô dâu. Nhưng oái ăm họ nhà gái đến đầy đủ mà hôn trường chưa có người dẫn chương trình. Trong lúc họ nhà trai lúng túng chưa biết xử lý ra sao, chị bảo mấy người giữ hộ con, tôi làm cho. Cả xóm ngạc nhiên thấy chị nói đâu ra đó, hát dân ca làm cho cả hôn trường im phăng phắc. Cũng từ đó nhiều đám cưới trong làng, trong xã mời chị dẫn chương trình, vào đội văn nghệ của xóm, văn nghệ xã. Thấy nhiều người mến mộ chị vay tiền mua 1 chiếc âm ly và 1 chiếc loa, sang tận Hương Sơn, Đức Thọ ( Hà Tĩnh) đi các huyện trong tỉnh dẫn chương trình đám cưới, khi xã huyện tổ chức hội diễn văn nghệ về tham gia. Chị là người tham gia đầu tiên: Tiếng hát Làng Sen” do huyện tổ chức, đến nay thành Lễ hội Làng Sen toàn tỉnh, toàn quốc, chưa nghỉ một kỳ nào.
Giỏi của chị Song Thao hát được dân ca nhiều vùng. Một lần đoàn Đoàn quan họ Bắc Ninh vào nghỉ ở Cửa Lò mời xuống giao lưu. Chị hát bài “ Ngồi tựa mãn thuyền” và “ Mời trầu”. Anh chị em trong Đoàn quan họ Bắc Ninh không ngờ người Nghệ An lại hát quan họ chuẩn, mà hay không thua kém ca sĩ chuyên nghiệp. Chị hát chèo cũng tốt. Vừa rồi chị sáng tác bài chèo: “ Nhớ ơn Đại tướng” ý định sắp tới chị vào thăm mộ, hát cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe. Chị viết lời nhiều bài hát, cho các đội văn nghệ đi tham gia hội diễn. Bài “ Nét đẹp quê mình” hát đối đáp ví phường vải, chị viết cho đội văn nghệ xã Khánh Sơn đi hội diễn ở huyện được giải A.
Có lần chị đi dẫn chương trình cho Nhà văn hóa huyện Đức Thọ thấy chị làm tốt, họ nhận cả hai vợ chồng vào làm việc. Về hai vợ chồng bàn tính không thể đi được. Đài phát thanh truyền hình huyện mời chị vào làm phát thanh viên, vì hoàn cảnh gia đình chị đành từ chối.
Tuy không được học qua một trường lớp nào, vừa học vừa làm mấy chục năm nay chị Song Thao chuyên đi phục vụ các đám cưới, các cuộc hội nghị, dự các kỳ hội diễn trong và ngoài tỉnh. Đi đến đâu chị cũng được mọi người yêu mến. Chị vinh dự được mọi người phong cho nghệ nhân ưu tú. Đến nay tuổi cao nhưng chị vẫn đam mê nghề, giọng hát của chị vẫn mượt mà trong trẻo, sâu lắng, cuốn hút người nghe.
Tôi cảm phục chị một người con liệt sĩ, không cam chịu, giàu nghị lực vươn lên, làm việc có ích cho đời.
Bài và ảnh: Hải Hưng