Sông núi Tủa Chùa (11/11/2009)

Trong men rượu la đà, tôi nói muốn đi Tủa Chùa quá mà không làm sao đi được. Anh bạn nắm ngay lấy tay tôi, nói anh hứa rồi nhé, lên Tủa Chùa tôi sẽ đưa anh đi xuống xã, nhiều chuyện hay lắm. Rượu say có thể quên hết mọi thứ, nhưng lời hứa thì không thể quên. Hơn nữa, một người ham muốn đi lại có một người tha thiết mời, làm sao không đi được.

Chúng tôi chọn đường đi qua Trung Hà, qua Thanh Sơn- Thu Cúc, lên Tạ Khoa. Đường mới mở, xe bon nhanh. Đến Hát Lót, bắt vào quốc lộ số Sáu đã được cải tạo và nâng cấp, xe giữ tốc độ, đến Sơn La chừng bốn giờ chiều. Đêm ấy ngủ lại Sơn La, nghe chuyện Thuỷ điện Sơn La nay mai hoàn thành, nước sẽ dâng cao lên những bao nhiêu bao nhiêu mét, ngập chìm hàng bao nhiêu vạn héc-ta đất ruộng làng bản, lòng tôi bỗng thấy nôn nao, không biết khi đó Tủa Chùa sẽ thế nào, nước dâng lên thì núi thấp xuống chăng?

Đường lên Tủa Chùa mới mở, có lẽ ít xe tải nặng đi lại nên vẫn còn tốt. Chúng tôi tắt điều hoà, mở cửa xe cho không khí tươi trong tràn vào, cái không khí ở Hà Nội có tiền cũng không mua nổi, để được thở hít một cách thoải mái. Mùi cỏ thơm thoảng trong bầu khí quyển tinh khiết, một chút lành lạnh xa vời, mách bảo chúng tôi rằng, chúng tôi đang đi trên vùng đất cao hơn mặt biển cỡ chừng ngàn mét. Bất ngờ những chiếc xe Min-khơ lao từ những con đường nhánh ra cuốn bụi mù mịt, hùng hổ như những con ngựa sắt. Cầm lái là những chàng trai da rám nắng đen lấp lánh, đằng sau là cô gái Mông, chân quấn xà cạp bắp tròn căng. Những đôi lứa này đưa nhau đi chợ mua sắm hay chỉ đơn giản xuống chợ huyện chơi? Con người khi có tốc độ thì rõ ràng chất lượng cuộc sống được nâng lên. Tuy nhiên mấy người trên xe chúng tôi cùng có chung một cảm giác, hình như thiêu thiếu một cái gì đó, một thứ gì đó.

Ai đấy bỗng kêu lên: Rừng!

Đúng là thiếu rừng. Dọc đường, ngót hai chục cây số lên đến thị trấn Tủa Chùa, không thấy bóng rừng đâu. Núi non trùng điệp, nhưng đều là những núi trụi, ngơ ngác như những chiếc đầu tóc húi cua. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đấy rằng, rừng che phủ ở Lai Châu chỉ còn chừng ngót ba chục phần trăm. Sau này nghe các bạn Tủa Chùa xác nhận, rừng còn lại thực tế chỉ trên mười phần trăm mà thôi.

Theo trí tưởng tượng của tôi, ngày trước dứt khoát Tủa Chùa phải là rừng rậm núi cao, chỉ có những người Mông bị nhà Mãn Thanh đàn áp phải bán sới mới tìm đến Tủa Chùa lánh nạn. Lê Quí Đôn ghi lại trong “Kiến văn tiểu lục” rằng, ở vùng đất lõm miền Tây này có nhiều thứ cây củ lạ, chẳng hạn cây sui, cây mần đế, củ nâu trắng…

Cây sui thì tôi biết. Thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, tôi còn là một cậu bé, khi ấy làng tôi rất nghèo, bố mẹ tôi cùng những người hàng xóm mỗi mùa chuẩn bị chống rét đều đi vào rừng đốn những cây sui cao cả trăm thước về bóc vỏ, nện đập cho mềm, phơi nắng thành những tấm từa tựa như đan dệt bằng bông để may chăn, may áo tơi chống rét. Chắc không ít anh “Bộ đội Cụ Hồ”, những anh “vệ túm” ngày ấy đã đắp chung chăn sui với những ông lão nông dân vùng Phú Thọ. Cây sui có ích thế, nhưng lại là thứ cây độc, lấy nhựa cây vào ban đêm cho vào lọ tẩm đầu mũi tên bắn trúng hổ, chất độc có thể khiến khoẻ như hổ cũng phải chết. Những tay tổ nghề săn còn cho biết, nếu đem những mũi tên đó cắm vào củ nâu non, vào củ nâu trắng thì độ độc còn tăng nữa, thú bị bắn trúng là chết ngay. Còn cây mần đế, cũng gọi là cây mác vắt, mác liên có thể lấy lá, lấy vỏ để duốc cá. Đấy là chưa kể đến những trai, nghiến, lim, lát, pơmu, trầm hương, thiên niên kiện, hà thủ ô, tam thất…

Sự thâm u của rừng Tủa Chùa còn sót lại ở những đâu tôi không rõ, nhưng trên đường xuống bản Nả Dò, thôn Hố Chua chúng tôi bắt gặp hình ảnh hùng vĩ của rừng già qua một mảng rừng sót lại che rợp cả ta-luy đá dựng đứng và thung lũng núi hun hút. Nghe nói khi mở con đường nhỏ mà cứng đầu này đã tốn không biết bao nhiêu ngày công và thuốc nổ. Người Mông đến khai phá vùng Tủa Chùa có lẽ bắt đầu từ phát rừng, chọc đất trồng rẫy. Trong chiếc gùi trên lưng của người Mông khi đặt chân đến vùng đất mới được đặt tên Tà Chải (sau này đọc trệch là Tủa Chùa?) ngoài những vật dụng thiết thân, hạt giống ngô, hạt đậu tương… chắc hẳn còn có những hạt giống chè tuyết shan (ngày nay người Tủa Chùa gọi là chè cây cao) và giống cây thuốc phiện. Tương truyền cây chè được gieo hạt ngày ấy giờ đã thành chè cổ thụ có đường kính cỡ mét, cao hàng chục mét, tán lá xanh um rải rác ở Xín Chải, trong những mảnh vườn của các dòng họ như dòng họ Hảng ở bản Nả Dò, ở thôn Hố Chua. Chè cây cao có sức sống dai bền, lá hãm nước uống có chất bổ dưỡng, có thể dùng sát trùng trị vết thương, cành có thể chôn làm cọc rào ngăn thú dữ là bạn của người Mông.

Người Mông ở Tủa Chùa đẻ nhiều con. Ông bí thư huyện uỷ có năm con. Ông bí thư đảng uỷ xã Xín Chải có mười người con, sáu trai bốn gái. Mấy người con trai lớn đã ra ở riêng, hiện gia đình ông bí thư xã có mười khẩu, để bảo đảm cái ăn mỗi năm phải làm sao thu hoạch ít nhất là hai tấn ngô và ba tạ đậu tương, với trình độ canh tác như hiện nay không thể không phát rẫy mở rộng diện tích. Theo ông Chủ tịch huyện, Tủa Chùa là một huyện mới, thành lập ngày 18- 10- 1955 bao gồm các xã Xín Chải, Huổi Xó, Tả Sìn Thàng, Lao Xá Phình, Tả Phìn, Trung Thu, Sính Phình, Tủa Thàng, Mường Đan, Xá Nhè và Mường Báng, dân số Tủa Chùa hiện có trên bốn vạn hai ngàn, để bảo đảm lương thực cho từng ấy miệng ăn phải trồng được ít nhất một trăm bốn mốt hec-ta ngô xuân, bốn trăm mười bốn hec-ta ngô đông, hơn bốn ngàn hec-ta ngô mùa. ấy là chưa kể đất trồng đậu tương và những cây quả khác… Trong tương lai Tủa Chùa vẫn còn phải tiếp tục khai hoang, rừng buộc phải nhường chỗ là điều tất nhiên.

Kí ức của người Mông sau cuộc di dân chạy loạn bốn năm trăm năm trước, gửi gắm trong các câu chuyện cổ tích như “Sự tích hoa đào”, “Sự tích cướp vợ”… không thấy nhắc đến con đường người Mông đã đi, nhưng chắc chắn muốn đến Tủa Chùa không thể không vượt qua sông Đà, con sông chính cùng một nhánh của nó là sông Nậm Mức uốn khúc ôm chặt lấy vùng non cao này giống như một con hào phòng ngự. Sông Đà là con sông của Thần linh.

Muốn hiểu về người Mông Tủa Chùa thì phải đến được nơi những người Mông tiên phong chọn để hạ trại. Đấy là lí do để anh cán bộ tuyên huấn đưa chúng tôi đi bản Nả Dò, thôn Hố Chua, xã Xín Chải. Chuyến đi ấy còn có thượng tá chỉ huy trưởng cơ quan quân sự huyện. Anh bảo quê anh ở Xín Chải, nhân tiện về thăm nhà luôn. Từ huyện về thôn Hố Chua khoảng bốn chục cây số, từ bản Nả Dò đến thôn khoảng ngót chục cây, ngày xưa rặt đi bộ. Bây giờ có thể ngồi ô tô, nhưng phải là ô tô tải hoặc Uoát, và phải chấp nhận tuổi thọ của xe bị rút ngắn một cách đáng kể. Nhưng đối với chỉ huy trưởng thì những con đường xuống bản xuống xã như thế quí chẳng kém gì vàng. Bởi vì một trong những yếu tố quyết định sức mạnh của quân đội chính là sự cơ động. Ông cười tít mắt khoe, nhân dân và bộ đội địa phương đã làm được một trăm sáu mươi ki-lô-mét đường liên xã, liên thôn nối với huyện. Có nhẽ chính nhờ những con đường như thế này mà người Mông ở Tủa Chùa mới nghĩ đến chuyện sắm xe máy. Tương lai của xe máy Việt Nam sẽ là ở nông thôn và vùng núi. Ngay ở thôn Hố Chua tôi đã thấy gia đình ông trưởng thôn có đến ba chiếc xe máy xếp dưới gầm sàn. Kế hoạch của huyện sẽ làm tiếp đường từ các xã xuống sông Đà để đón đầu sự phát triển mà khi thuỷ điện Sơn La hoàn thành sẽ mở ra.

Tủa Chùa có một loại rượu uống một chén đã ngà ngà say, rồi uống tiếp mười chén vẫn chỉ ngà ngà say. Rượu ấy có thể uống thay trà buổi sáng, uống trong bữa tiệc tiếp tân, uống trong bữa cơm gia đình. Bữa cơm uỷ ban ở xã Xín Chải vừa là bữa cơm công vụ, vừa là bữa cơm gia đình có cả lòng lợn tiết canh, rượu thì lẽ tất nhiên phải có, chẳng cần bàn. Nhưng đồ ăn mà tôi thích nhất chính là thứ rau cải sạch của vùng cao. Trụ sở xã Xín Chải nằm ở một thung lũng nhỏ bên cạnh xưởng chế biến chè, có bể chứa nước to, từ thôn Hố Chua về xuống một cái dốc dài là đến. Đứng ở đầu dốc có thể thấy ngay lá cờ Tổ quốc phần phật bay, một đám ruộng bậc thang và khu trường học ở trước mặt. Bí thư huyện cho biết, số hộ nghèo và cận nghèo ở Tủa Chùa vẫn còn nhiều, nhưng số trẻ em đi học đã tăng lên, riêng học sinh tiểu học có hơn năm ngàn.

Anh cán bộ huyện đội tăng cường là một đại uý cùng bí thư đảng uỷ xã cụng li với tôi. Anh chỉ vào đồng chí bí thư xã, nói đồng chí bí thư đây nguyên là lính của E 335 (trung đoàn), đã chiến đấu ở Xiêng Khoảng. Phần lớn lãnh đạo địa phương đều đã từng trải qua quân ngũ, tinh thần và ý chí rất cao. Nhưng người Mông ở Tủa Chùa còn biết ít tiếng phổ thông. Ông Hảng A Nhà, tham gia du kích chống Pháp từ năm 1951, năm nay đã ngoài tám mươi, nhưng không nói được tiếng phổ thông. Các em bé Mông đến trường học tiếng phổ thông, lẽ dĩ nhiên thế, nhưng hỏi thì biết các em không được dạy chữ Mông. Từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, chữ Mông đã được nghiên cứu và đưa vào nhà trường, bằng chứng là bài hát mà tới nay nhiều người còn thuộc “Người Mèo (Mông) có chữ Mèo rồi”. Tôi trộm nghĩ, nếu trẻ em Tủa Chùa có học cả chữ Mông thì trình độ tiếng phổ thông có thể sẽ dễ được nâng cao hơn. Đường từ thôn Hố Chua xuống xã xa cả chục cây số, từ bản lên thôn, lên xã lẽ dĩ nhiên chẳng thể gần hơn, để trẻ em có thể cắp sách đến trường không phải dễ. Trên những vùng cao núi non trùng điệp như Tủa Chùa việc thông tin tuyên truyền đến tận người dân cũng khó như trèo núi. Cái nền tảng của thông tin, của tri thức phụ thuộc vào việc học hành của trẻ em. Cái con số hơn năm ngàn học sinh tiểu học mà tôi nhắc đến ở trên rõ ràng là những con số biết nói. Các em sẽ là thế hệ tô đẹp núi sông Tủa Chùa.