Để tiện cho việc thưởng ngoạn chợ hoa, sáng 28 Tết năm nay, tôi làm một cuốc xe ôm. Cảm nhận đầu tiên là vào thời điểm đó, nhiều con phố Hà Nội đã khá thoáng, chỉ có những nẻo hướng về chợ hoa là đông đúc. Đi gần hết đường Thanh Niên đầy gió, quặt vào đường Nghi Tàm đã thấy người và hoa kết thành dòng. Tới đường Âu Cơ, mới thật sự chìm ngập đường hoa. Đào vườn, đào núi, quất... dẫn lối chúng tôi lên chợ hoa Quảng Bá.
Khác với ngày thường, chợ hoa Quảng Bá không chỉ họp về đêm, mà vào kỳ giáp Tết, chợ họp cả ban ngày. Chỉ với khuôn viên chợ hoa truyền thống đã là một vườn hoa khổng lồ, bạt ngàn các loài hoa được bày bán theo hàng lối, nào: hoa hồng, lan, ly, cúc, cẩm chướng... Thời điểm cận Tết, lượng hoa tiêu thụ vô cùng lớn. Tuy nhiên, những ngày này “vườn hoa” khổng lồ đó được vây bủa bởi vòng ngoài hoa đào rực rỡ. Đào Nhật Tân, đào Tứ Liên, đào vườn, đào rừng, đào bích, đào phai, đào gốc, đào cành... ngợp cả triền đê. Cả biển người, lấn chen kẻ bán, người mua, người đi xem hoa..., nhưng ai cũng tươi như hoa, không xô bồ, nhốn nháo. Tất cả tạo nên một chợ hoa Tết mang nét đặc trưng văn hóa, một điểm nhần tuyệt vời của Hà Nội khi Tết đến, Xuân về.
Len lỏi ra khỏi chợ hoa Quảng Bá, trôi theo dòng sông hoa dọc đường Âu Cơ đưa chúng tôi lên đường hoa Lạc Long Quân. Từ ngày khu đô thị Siputra nuốt chửng "Dinh đào", thì vẻ đẹp của đào Nhật Tân sống sót, chui nhủi từ các xó xỉnh nào đó, chờ Tết đến để được phô diễn dọc theo đường Lạc Long Quân. Nếu ở chợ hoa Quảng Bá và dọc theo đường Âu Cơ, chủ yếu đào cành, thì chợ hoa Lạc Long Quân lại chủ yếu là đào gốc, đặc biệt là rất nhiều gốc đào cổ thụ. Lân la hỏi mấy vị "lái đào", được biết chủ yếu khách chơi đào thuê thay cho mua. Giá thuê một gốc đào đẹp lên tới vài chục triệu đồng. Khoe sắc với đào là quất và vài năm gần đây là bưởi cảnh. Những gốc bưởi Diễn, phật thủ trĩu nặng quả vàng tươi trên nền lá xanh rì đã tạo nên vẻ đẹp mới của chợ hoa Lạc Long Quân. Ở đây còn bày bán nhiều mai vàng và sự xuất hiện những chậu mai vàng Nam Bộ đã tạo nên sự giao thoa, hỗn dung văn hóa giữa hai miền Nam - Bắc ở phiên chợ hoa Tết trên chính xứ sở "Dinh đào" một thuở.
Nếu như trước đây, chợ hoa Lạc Long Quân chỉ tập trung từ đầu dốc nối với đường Âu Cơ tới bùng binh trước trụ sở UBND quận Tây Hồ, thì giờ đây chợ hoa kéo dài đến hết đường Lạc Long Quân, để rồi dòng sông hoa lại đưa chân ta về chợ hoa Bưởi.
Chợ Bưởi - hậu duệ của chợ Hồng Tân ngày trước, giờ đây đã là một trung tâm thương mại lớn, nhưng người ta vẫn giữ lại một khoảnh đất để buôn bán hoa, cây cảnh. Nhưng cũng từ nhiều năm trở lại đây, nhu cầu mua bán hoa, cây cảnh đã biến phần lớn đường Hoàng Hoa Thám trở thành chợ hoa và khi Tết đến thì chợ hoa đường Hoàng Hoa Thám như dài vô tận, dài từ chợ Bưởi đến qua cầu phố Văn Cao. Nét đặc trưng của chợ hoa Bưởi - Hoàng Hoa Thám không phải cành hoa, mà là cây hoa - cây cảnh. Trong chợ Bưởi cũng như dọc đường Hoàng Hoa Thám, tấp nập kẻ bán người mua, nào hoa hồng, lan, ly, đỗ quyên, hải đường, chi mai... tạo nên những nét văn hóa có phần xưa cũ, độc đáo gắn với đất và người Thăng Long - Hà Nội.
Khởi đầu từ đường Thanh Niên tới cầu Văn Cao, con đường hoa gần như một vòng tròn khép kín bao quanh Hồ Tây, gợi cho tôi nghĩ về một dòng sông hoa, một Hồ Tây hoa. Những ngày giáp Tết, trong lất phất mưa bụi bay mờ, nếu không được trôi trong dòng sông hoa, quanh Hô Tây hoa thì thiệt thòi lắm thay!
Duy Nguyễn