“Sóng dậy” ngoài Biển Đông
Đường lưỡi bò Trung Quốc tự chế.
Có lẽ các nước đang không thể kiềm chế hơn được nữa cái gọi là “Đường chín đoạn” - xưa gọi là “Đường lưỡi bò” trong âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Không chỉ thể hiện trong sách trắng quốc phòng, hay đưa ra Quốc hội “đặt tên” cho những thực thể trên biển của các nước khác, Trung Quốc còn lợi dụng khi mà các nước bận chống dịch đã tiến hành bồi đắp, tôn tạo nhiều đảo xâm chiếm của nước khác, biến thành các khu quân sự hiện đại của họ. Và gần đây là những “hạm đội” đánh cá trên Biển Đông - vừa đánh bắt cá, vừa đe nẹt, thậm chí “cấm biển” ở cả những vùng trong thềm lục địa của nước khác…
Từ những hành động theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” càng ngày càng ngang ngược, Trung Quốc đã “chọc tức” các nước không chỉ trong lên án mạnh mẽ mà còn “khơi ngòi cho cuộc chiến công hàm ngoại giao” bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc. Nước đầu tiên lên tiếng là Malaysia, tháng 12-2019 ra công hàm “Phản đối Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa ở Biển Đông”. Chưa đầy 3 tháng sau, Philippines cũng trình công hàm phản đối Trung Quốc. Trước đó Philippines đã thắng kiện nước này về tranh chấp chủ quyền Biển Đông lên Tòa án Trọng tài thường trực (PCA).
Đó là cuối năm 2019, còn đến nay thì Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới, như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản... đều lên tiếng phản đối trước những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Rạng sáng 14-7 (giờ Việt Nam), trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ Washington viết: "Chúng tôi đang làm rõ một điều: Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp…".
Không nước nào làm thay Trung Quốc được - việc nhìn nhận lại và điều chỉnh ngay - từ bỏ âm mưu chiếm đoạt Biển Đông để mang lại yên bình không chỉ cho nhân dân Trung Quốc mà cho cả các nước có quyền lợi ở Biển Đông.
Nhật Huy