SÔNG CÔNG (THÁI NGUYÊN): Vùng đất đầu tư nhiều hứa hẹn (04/03/2010)

Đây cũng là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, áp dụng thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ "Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư".

Dự án nhà máy Shinwon Ebenezer Hà Nội là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 15 triệu USD, trên diện tích 8 ha, quy mô sản xuất đạt 45 triệu sản phẩm/năm. Dự án được triển khai cuối tháng 10-2009; dự kiến tháng 8-2010 nhà máy đi vào sản xuất chính thức và sẽ thu hút, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 6.000 lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đây là dự án đầu tiên tỉnh Thái Nguyên áp dụng thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP nên UBND tỉnh đã tổ chức họp với các sở, ngành chức năng và UBND thị xã Sông Công để lấy ý kiến đóng góp. UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định thành lập Tổ công tác giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm dự án triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Trực tiếp, đồng chí Dương Đình Chiến, Chủ tịch UBND thị xã Sông Công làm tổ trưởng; đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó chủ tịch UBND thị xã làm tổ phó. Các tổ viên đều là các lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính.

Sau khi thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh, UBND Thái Nguyên có ý kiến chỉ đạo: "Để phục vụ công tác bồi thường GPMB cho các dự án trên địa bàn, trong đó có dự án Nhà máy Shinwon Ebenezer Hà Nội, trong khi UBND tỉnh chưa ban hành kịp thời chính sách bồi thường hỗ trợ theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP, đặc biệt là chính sách hỗ trợ theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 của Nghị định này; UBND tỉnh đồng ý với đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, cho phép tạm thời áp dụng mức hỗ trợ (các loại) ở mức phù hợp trong giai đoạn hiện nay, trong khoảng quy định tại NĐ 69/2009/NĐ-CP để thực hiện bồi thường GPMB. Sau khi tỉnh ban hành chính sách mới sẽ hoàn thiện phương án và phê duyệt bồi thường, hỗ trợ bổ sung".

Quá trình thực hiện công tác kiểm đếm, bồi thường GPMB đã gặp một số trở ngại, kiến nghị thắc mắc của các hộ bị thu hồi đất như: dự án này thu hồi, đền bù khác những dự án đã thực hiện trước đây; đền bù giá không thống nhất từ đầu đến cuối; ban bồi thường GPMB tách diện tích đất ra để tính đền bù theo hạn mức đất ở đối với các hộ nông nghiệp và các hộ phi nông nghiệp.

Tất cả những thắc mắc trên đây của người dân đã được Tổ công tác và Hội đồng bồi thường GPMB thị xã Sông Công giải đáp. Đây là dự án áp dụng thực hiện NĐ 69/2009/NĐ-CP về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nên có một số điểm khác các dự án đã triển khai trước đây nên hầu hết người dân hiểu ra và đồng tình ủng hộ dự án.

Khoản 2 và khoản 3, Điều 21 NĐ 69/2009/NĐ-CP quy định: "Hộ gia đình cá nhân khi bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn, thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 20% - 50% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định trong Bảng giá đất của địa phương, diện tích được hỗ trợ không quá 5 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương; UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ hỗ trợ, diện tích đất được hỗ trợ và giá đất ở trung bình để tính hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương”.

Sau hơn 3 tháng triển khai dự án, đến nay công tác bồi thường GPMB đã cơ bản hoàn tất. Hiện tại, nhà đầu tư đang tiến hành triển khai xây dựng nhà xưởng.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó chủ tịch UBND thị xã Sông Công cho biết: Hầu hết những thắc mắc của người dân tập trung vào vấn đề giá bồi thường, việc chia tách hộ để hưởng 2 mức hỗ trợ (mức một là 375m2 đầu và mức tiếp theo từ mét vuông thứ 376 trở đi - tính theo quy định hạn mức giao đất ở tại địa phương), các hộ đủ tiêu chuẩn sẽ được mua một lô đất ở.

Được biết, quá trình triển khai xây dựng Nhà máy may Shinwon Ebenezer Hà Nội đã được tỉnh Thái Nguyên ban hành một loạt cơ chế đặc thù và áp dụng đúng các văn bản, quy định Nhà nước như: Nghị định 197, Nghị định 84… Tuy nhiên, Nghị định 69 vừa được ban hành, tỉnh chưa ban hành kịp các cơ chế áp dụng nên trong công tác bồi thường GPMB, tỉnh Thái Nguyên đã linh hoạt áp dụng các quy định ở mức cao nhất để tính giá bồi thường cho người dân. Theo đó, khi phê duyệt giá đợt 1, tạm tính mức hỗ trợ là 4.000 đồng/m2. Và Quyết định 01/2010/QĐ-UBND ngày 5-1-2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tính bù giá hỗ trợ vào đợt 2 là 8.000 đồng/m2.

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, so với những quy định cũ về bồi thường GPMB các dự án tại địa phương trước đây, người dân bị thu hồi đất chỉ nhận được khoản bồi thường, hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng/sào. Hiện nay với Nghị định 69/2009/NĐ-CP cụ thể tại dự án này, người dân đã nhận được số tiền bồi thường, hỗ trợ lên tới 103 triệu đồng/sào. Như vậy, hầu hết những hộ dân bị thu hồi đất đều phấn khởi. Đây là dự án được tỉnh ưu tiên vì nó sẽ giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Dự án Nhà máy Shinwon Ebenezer Hà Nội sẽ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 6.000 lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với mức thu nhập ổn định, bình quân từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, dự án cũng hứa hẹn nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của ngành công nghiệp may mặc xuất khẩu Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

NGUYÊN VŨ