Sớm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục công nhận người có công
Theo báo cáo của Chính phủ, các chính sách ưu đãi đối với người có công đã từng bước được hoàn thiện. Đến nay, cả nước đã xác nhận trên 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng gần 10% dân số, trong đó có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước. Gần 40 năm kể từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chính sách "đền ơn đáp nghĩa", nhưng việc giải quyết chế độ trợ cấp, ưu đãi cho người có công có nơi, có lúc vẫn còn vướng mắc.
Mặc dù phần lớn người có công với cách mạng đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, chính sách "Đền ơn đáp nghĩa" đó đã tạo điều kiện để người có công có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, cả nước hiện vẫn còn nhiều người có công với cách mạng mà chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Những thủ tục hành chính cứng nhắc đang là rào cản cho không ít người trong hành trình xin được công nhận là người có công. Không ít gia đình đã tốn nhiều thời gian, công sức tìm người có thẩm quyền ký xác nhận thủ tục, giấy tờ để được công nhận là thương binh, gia đình liệt sĩ, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận, trong đó có cả những người chiến đấu và bị thương từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua phản ánh của bạn đọc, phần lớn các trường hợp chưa được công nhận người có công đều có chung một lý do là không có hồ sơ, giấy tờ gốc, trong khi quy định phải căn cứ trên giấy tờ, chứng lý gốc. Có trường hợp do cá nhân làm mất, nhưng cũng có nhiều trường hợp do cơ quan chức năng không quan tâm lưu giữ các giấy tờ gốc, cho đến khi lập hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách cho người có công thì giấy tờ gốc không còn. Cũng vì lý do này, hàng chục nghìn người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc đi-ô-xin nhưng chưa được hưởng trợ cấp, trong khi đời sống của họ vô cùng khó khăn do bệnh tật và mất sức lao động. Nhiều trường hợp, lãnh đạo Hội CCB, Hội Cựu TNXP biết rõ là người có công và bị nhiễm chất độc hóa học ở chiến trường, nhưng vì không đủ căn cứ để công nhận theo quy định, cho nên không thể giúp gì được.
Bên cạnh đó, quy định về việc giám định các bệnh do chất độc hóa học để hưởng chế độ cũng gây khó cho cả cơ quan chuyên môn và người có công thuộc diện đối tượng. Bộ Y tế đã quy định danh mục 17 bệnh do chất độc hóa học đi-ô-xin nhưng hiện nay việc giám định một số bệnh lại vượt quá khả năng của cơ quan giám định y khoa các địa phương. Không làm được hồ sơ bệnh án cũng đồng nghĩa việc người có công không được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi. Ai cũng hiểu rằng: quy định chặt chẽ là để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi, gây mất công bằng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Chính từ sự thông thoáng về thủ tục xác nhận người có công như chỉ cần hai người cùng đơn vị xác nhận đã dẫn tới hàng chục nghìn hồ sơ đối tượng người có công bị làm giả. Tuy nhiên, chính những quy định có phần máy móc, nhiêu khê đã tác động tiêu cực đến việc thực thi chính sách với người có công, gây thiệt thòi về quyền lợi cho những người lẽ ra phải được ưu tiên. Chính vì vậy rất cần những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục bởi nếu không thì nhiều người có công sẽ không kịp hưởng chính sách và việc giải quyết chế độ cho người thân của họ cũng sẽ khó khăn hơn khi họ không còn.
Bài và ảnh:
Dương Sơn