Sóc Trăng: Công nghiệp phát triển nhanh, bền vững (10/05/2012)

Đánh giá về thành tựu này, ông Ngô Minh Trạng, Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng phấn khởi cho biết: “Sau 20 năm tái lập tỉnh, sản xuất công nghiệp địa phương đi vào ổn định và có bước chuyển biến cơ bản, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Nếu như vào năm 1992, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ đạt trên 477 tỷ đồng thì đến cuối năm 2011 đã đạt trên 7.791 tỷ đồng. Hàng loạt các nhà máy, công ty được thành lập và đi vào sản xuất như: Công ty thực phẩm xuất nhập khẩu tổng hợp Sóc Trăng (Fimex), Nhà máy bia Sóc Trăng, Xí nghiệp gạch tuynen, Nhà máy đường Sóc Trăng...”.

Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, với mũi nhọn là ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Cùng với sự phát triển nhanh của nuôi trồng và khai thác thủy sản, công nghiệp chế biến hàng thủy sản phát triển nhanh từ 2.182 tỷ đồng năm 2001, tăng lên hơn 3.835 tỷ đồng vào năm 2005. Các đơn vị đã đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Giai đoạn 2006 - 2011, ngành công nghiệp Sóc Trăng vẫn duy trì tăng trưởng khá và ổn định, với giá trị sản xuất công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2006 chỉ đạt trên 4.712 tỉ đồng thì đến cuối năm 2011 đạt trên 7.791 tỉ đồng và tăng hơn 15 lần so với năm 1992. Một số sản phẩm chủ yếu vẫn giữ mức giá tăng hàng năm như gạo xay xát, tôm xuất khẩu, bia, gạch, chả cá đông, đường kết tinh... Công nghiệp chế biến nông thủy sản đã góp phần tạo nên kim ngạch xuất khẩu từ 333 triệu USD vào năm 2006 và đã tăng lên 471 triệu USD vào năm 2011. Theo kế hoạch, năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương của tỉnh phấn đấu đạt 8.400 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với năm 1992.

Để ngành công nghiệp Sóc Trăng phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra (phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp Sóc Trăng đạt từ 12.000 đến 14.000 tỷ đồng); ngành công nghiệp Sóc Trăng sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, sẽ kêu gọi đầu tư khu, cụm công nghiệp theo hướng thu hút các ngành sản xuất chế biến nông sản, thức ăn gia súc, thủy sản và công nghiệp chế biến gỗ, cơ khí, vật liệu xây dựng... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tích cực triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; khai thác tốt hệ thống cơ sỡ dữ liệu môi trường công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng chống ô nhiễm môi trường, đồng thời tích cực hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn thông qua các đề án khuyến công.

Sau 20 năm tái lập đến nay, kinh tế Sóc Trăng chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế tiềm năng để chuyển đổi phù hợp. Công nghiệp Sóc Trăng tăng trưởng khá nhanh và đóng góp tích cực hơn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; chuyển dịch sản xuất công nghiệp theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ, tập trung chế biến các sản phẩm thế mạnh để nâng cao giá trị xuất khẩu. Với những tiềm lực dồi dào, bước đi đúng hướng, tin rằng, trong tương lai không xa, ngành công nghiệp Sóc Trăng sẽ phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng được sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Bài và ảnh: Phương Nghi