Sơ kết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. (23/12/2012)

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đánh giá công tác thi đua khen thưởng năm 2012, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, các Bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các địa phương đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao. Trọng tâm là thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn liền với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, thiết thực, được người dân đón nhận và hưởng ứng tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn ngày càng hoàn thiện; phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp và đã đi vào chiều sâu. Chất lượng khen thưởng ở các cấp, các ngành được nâng lên; công tác khen thưởng đột xuất, khen thưởng cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất ngày càng được coi trọng.

Công tác tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng được thực hiện có hiệu quả. Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng; giải quyết cơ bản công tác khen thưởng kháng chiến còn tồn đọng. Trong năm 2012, Ban đã thẩm định, trình khen thưởng cho hơn 29.300 trường hợp, đến nay việc khen thường thành tích kháng chiến cơ bản đã hoàn thành.

Về công tác khen thưởng, ngay từ đầu năm, toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng khen thưởng, chuyển trọng tâm khen thưởng sang đối tượng người trực tiếp lao động sản xuất. Công tác phát động thi đua được chú trọng, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh phong trào thi đua thiết thực hưởng ứng các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm qua, hội nghị đã thống nhất đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2013); tập trung tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường phối hợp giữa các khối thi đua nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh của mỗi bộ, ngành, đoàn thể và địa phương; nâng cao chất lượng khen thưởng, quan tâm đến việc phát hiện nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua để khen thưởng kịp thời, chính xác…

Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho thấy, ngay từ khi phát động, đến nay phong trào thực sự đi vào đời sống, được các cấp, các ngành hưởng ứng và người dân nhiệt tình ủng hộ, tích cực tham gia; hầu hết các tỉnh, thành phố đều tập trung nguồn lực cho công tác chỉ đạo, phổ biến cách làm hay, hiệu quả, tạo khí thế thi đua sổi nổi, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Điển hình như TP Đà Nẵng phân công 11 sở phụ trách giúp đỡ 11 xã; Bạc Liêu vận động mỗi gia đình thực hiện một công trình, phần việc đảm bảo vệ sinh nơi ở; huyện Kiến Xương, Thái Bình nở rộ với khẩu hiệu “đường thẳng, ngõ thẳng”…

Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã hỗ trợ các xã nghèo hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; tham gia hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ kinh phí hoặc đào tạo nghề trực tiếp cho lao động nông thôn.

Cùng với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã xuất hiện các phong trào thi đua theo các chuyên đề gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương. Điển hình như phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi như huyện Kim Bảng, Lý Nhân (Hà Nam), huyện Ea Kar, Krông Păk ( Đắc Lắc), huyện Chư Jut ( Đắc Nông); ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và TP Cần Thơ là những địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn”…

Đến nay, cả nước có trên 70% tổng số xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, trong đó có 7 tỉnh hoàn thành cơ bản việc phê duyệt quy hoạch chung; 11 xã chỉ đạo điểm của Trung ương đang đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ghi nhận và biểu dương những cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cấp đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong năm. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo của phong trào thi đua năm 2013 là “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”.

Phó Chủ tịch nước đề nghị tư tưởng chỉ đạo phải được thấm nhuần trong những người làm công tác thi đua để nhân rộng ra các cấp, các ngành; mỗi người phải nhận thức được nhiệm vụ của mình trước những khó khăn của đất nước hiện nay, người người thi đua, nhà nhà thi đua, quyết tâm khắc phục yếu kém, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2013. Phó Chủ tịch nước yêu cầu cần phát động phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả, không nên phát động nhiều phong trào thi đua, mỗi ngành chỉ nên phát động một phong trào có trọng tâm, trọng điểm.

Đánh giá những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Nguyễn Thị Doan khẳng định, đây là chủ trương, cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh khó khăn của đất nước hiện nay, nông nghiệp – nông dân – nông thôn có vai trò rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển của đất nước. Các cấp, các ngành và địa phương cần tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào này, cần tăng cường giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm; tập trung nguồn lực nghiên cứu nhân rộng các cách làm hay, nhân tố điển hình tiến tiến, đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tạo khí thế sổi nổi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao./.

Chí Đức