Sở hữu trí tuệ và âm nhạc:Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ
Ảnh: COV
Hằng năm, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4) là dịp để cộng đồng quốc tế cùng nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh những thành tựu mà hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) mang lại trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển văn hóa - nghệ thuật.
Năm 2025, với thông điệp toàn cầu “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ”,chủ đề nhấn mạnh vai trò của âm nhạc - một ngành công nghiệp văn hóa cốt lõi trong phát triển kinh tế sáng tạo và hệ thống SHTT chính là “bệ phóng” để âm nhạc lan tỏa và phát triển bền vững, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, thông điệp cũng nhằm tôn vinh những đóng góp của các nhà sáng tạo, nhà phát minh và doanh nhân đã vượt qua ranh giới của sự đổi mới và sáng tạo để tạo ra âm nhạc kết nối mọi người lại với nhau; khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, thúc đẩy sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế toàn diện, kinh tế sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới, với âm nhạc, nghệ thuật cũng được xem là một ngành công nghiệp văn hóa trọng yếu.
Hiện nay, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã tạo cơ hội mới cho nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đưa tác phẩm đến công chúng nhanh hơn, hiệu quả hơn và mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn. Tuy nhiên, song hành với đó là những thách thức về xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép, thu lợi bất hợp pháp từ nền tảng số.
Trong hệ thống SHTT, quyền tác giả, quyền liên quan là công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ tác phẩm âm nhạc khỏi việc sử dụng trái phép, đảm bảo thu nhập công bằng cho nghệ sĩ, nhà sản xuất, đơn vị phát hành. Đồng thời khuyến khích đầu tư vào sáng tạo, sản xuất và phân phối nội dung có bản quyền.
Việt Nam đã tham gia 8 điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan như Công ước Berne, Hiệp ước WCT, WPPT, Marrakesh, Hiệp định TRIPS… và nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP… và đang tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để bắt kịp xu thế mới. Luật SHTT sửa đổi năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn trong xử lý vi phạm và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có lĩnh vực âm nhạc.
Hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới và hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trọng tâm là trên lĩnh vực âm nhạc tại T.P Hồ Chí Minh.
Trong kỷ nguyên số và sự lan tỏa của công nghệ AI, âm nhạc cần được bảo vệ bằng công cụ pháp lý hiệu quả để đảm bảo giá trị gốc của sáng tạo không bị mai một. Hệ thống sở hữu trí tuệ chính là cây cầu kết nối người sáng tạo - người sử dụng - nhà đầu tư, góp phần hình thành một hệ sinh thái âm nhạc công bằng, phát triển và bền vững.
Hãy cùng “Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” - lắng nghe tiếng nói của người nghệ sĩ, chung tay kiến tạo một môi trường âm nhạc công bằng, nhân văn và giàu bản sắc.
An Chi