Singapore cắt giảm lương lãnh đạo (04/01/2012)
Ủy ban tiền lương của Singapore cho biết, nước này sẽ cắt giảm hàng triệu đôla tiền lương của các nhà lãnh đạo, trong đó Thủ tướng bị cắt giảm 36% và Tổng thống bị cắt giảm tới 51%.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cam kết giảm mức chi tiêu công sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2011. Bản thân ông Lý Hiển Long cũng sẽ bị cắt 36% từ con số 2,2 triệu đô Singapore (1,69 triệu USD) tiền lương hiện nay, nhưng vẫn nằm trong số những nhà lãnh đạo trên thế giới.
Tiền lương năm của ông Lý sau khi giảm là 1,08 triệu USD, cao hơn nhiều số tiền lương 400.000 USD của tổng thống Mỹ, 513.000 USD của Thủ tướng Nhật, 379.000 USD của thủ tướng Australia.
Còn lương của Tổng thống Singapore sẽ bị cắt giảm tới 51%, xuống còn 1,54 triệu SND (1,18 triệu USD). Lương của các thành viên quốc hội và các chính trị gia cũng bị cắt giảm khoảng 37% xuống còn khoảng 1 triệu SND (770.000 USD).
Tỷ lệ ủng hộ đảng Nhân dân hành động Singapore (PAP), đảng cầm quyền tại Singapore sau khi tách ra khỏi Malaysia năm 1965, xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử tại cuộc bầu cử năm 2011.
Một trong những vấn đề nóng nhất mà PAP phải đối mặt là mức lương cao của các thành viên chính phủ. Đây là chính sách mà PAP duy trì từ lâu nhằm thu hút nhân tài từ khu vực tư nhân và đối phó với nạn tham nhũng, vấn nạn của các quốc gia châu Á khác.
Lệnh cắt giảm có hiệu lực ngay và sẽ truy thu từ các thành viên chính phủ, theo thời gian bắt đầu nhiệm kỳ mới từ ngày 21/5/2011.
Tuy nhiên, tất cả các thành viên chính phủ sẽ được hưởng một khoản "tiền thưởng quốc gia" nếu Singapore đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, xã hội.
Singapore là quốc gia có tỷ lệ triệu phú cao nhất thế giới với 15,5% dân số sở hữu khối tài sản hơn 1 triệu USD, theo số liệu nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston năm ngoái. Nhưng Singapore này cũng là một trong những nước có sự chênh lệch giàu nghèo lớn trên thế giới.
Gerard Ee, người chuyên theo dõi chế độ tiền lương, cho biết việc cắt giảm tiền lương lần này chứng minh cho sự hy sinh và trách nhiệm đối với người dân của những nhà lãnh đạo, nhưng vẫn nên đủ cao để hấp dẫn mọi người phục vụ trong nhà nước.
Là một nước nhỏ, dân số it và nền kinh tế mở, Singapore vốn có ít nhân lực để phục vụ cho sự nghiệp công nên cần phải có chế độ khuyến khích để những nhân tài phục vụ cho đất nước, Gerard Ee nói.
Quỳnh Anh (TH)