Siêu dự án Tuyến giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng: Nên hay không nên?
Đây là tuyến công trình giao thông thủy kết hợp xây dựng thủy điện trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và TP. Hà Nội. Theo dự án, nhà đầu tư có kế hoạch xây 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét lòng sông trên toàn tuyến đường thủy đoạn Việt Trì-Lào Cai dài 288km. Ngoài ra dự án còn kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện và 7 cảng sông dọc tuyến.
Về phương diện tự nhiên, trước hết cần nhìn nhận sông Hồng là một chỉnh thể, gắn liền với lịch sử non sông đất nước ta từ lâu đời. Người Việt Nam ai cũng biết sông Hồng là con sông Cái, sông chính yếu của hệ thống sông mang tên nó ở Bắc Bộ. Sông bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776m, có tổng chiều dài 1.149km, trong đó đoạn chảy qua lãnh thổ Việt Nam dài 510km, bắt đầu từ xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Sông Hồng chảy dọc biên giới Việt-Trung khoảng 80km rồi chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam, qua Thủ đô Hà Nội trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt, ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định.
Xét về khía cạnh địa chất, sông Hồng chảy dọc theo một đứt gãy địa chất lớn, là hậu quả sự va chạm của “đảo” Ấn Độ vào lục địa Á-Âu vào khoảng trên 30 triệu năm trước. Cú xô húc ấy làm nâng lên cao nguyên Tây Tạng, dãy núi Himalaya với đỉnh Everest - nóc nhà thế giới. Đứt gãy sâu sông Hồng là một trong số những vết nứt phát sinh từ vận động tạo sơn đó. Con sông đã nương theo vết thương lớn của trái đất ấy để hình thành dòng chảy, rồi với thời gian, chính nó đã bồi đắp nên đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn địa chất cuối cùng của lịch sử trái đất-các kỷ Neogen và Đệ Tứ.
Sông Hồng có lưu lượng nước bình quân hằng năm rất lớn, tới 2.640m³/s (tại cửa sông) với tổng lượng nước chảy qua tới 83,5 tỷ mét khối, tuy nhiên lưu lượng nước phân bổ không đều. Về mùa khô, lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 700m³/s, nhưng vào cao điểm mùa mưa có thể đạt tới 30.000m³/s.
Nước sông Hồng về mùa lũ có màu đỏ - hồng do phù sa nó mang theo, nhất là khi chảy qua vùng đất đỏ terra-rosa ở Vân Nam, Trung Quốc. Màu đỏ của nước cũng là nguồn gốc tên gọi của dòng sông. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm tức là gần 1,5 kg phù sa trên một mét khối nước. Phù sa sông Hồng từ hàng triệu năm qua giúp cho đồng bằng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở mang châu thổ ở vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình và Nam Định. Do lượng phù sa lớn mà lòng sông cũng thường bị lấp đầy khiến cho lũ lụt thường xuyên xảy ra, vì thế mà từ lâu hai bên bờ sông đã có một hệ thống đê điều được đắp lên để ngăn nước tràn vào đồng ruộng, xóm làng.
Việc đắp đê sông Hồng là quyết định đúng đắn thời kỳ đầu. Năm 1108, vào thời Lý, con đê đầu tiên được đắp ở phường Cơ Xá chỉ có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành Thăng Long. Những con đê thấp được đắp vào đời Trần (1225-1400) chỉ cốt giữ cho nước không tràn vào đồng ruộng để kịp làm vụ chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong thì nước được tự do tràn vào đồng ruộng-một giải pháp có thể chấp nhận được. Nhưng những con đê bề thế được đắp mới và tôn tạo trên hai bờ Nhị Hà (sông Hồng) vào triều Lê Sơ (1428-1527) thì đã là sự can thiệp vào tự nhiên quá giới hạn cho phép. Về điều này, học giả Pháp Pierre Gourou viết vào đầu thế kỷ XX: "Châu thổ sông Hồng đã bị chết trong tuổi vị thành niên của nó". Nó gần như bị cắt đứt liên hệ với chính con sông từng tạo ra và nuôi dưỡng nó.
Bị kìm kẹp giữa hai thân đê, sông Hồng càng trở nên hung dữ, đã “giãy giụa”, bứt phá, gây ngập lụt triền miên trong thời Nguyễn. Cũng chính trong thời Nguyễn đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê. Người viết bài này đã có lời bàn về việc nên bỏ hay giữ đê vào thời đại ngày nay trong một bài báo khi dấy lên dự án “Xây dựng thành phố sông Hồng” khoảng 10 năm trước.
Bài báo này, tôi chỉ đề cập đến dự án xây dựng tuyến giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng hiện đang còn là vấn đề được xã hội quan tâm.
Trước hết cần hiểu mỗi dòng sông là một thực thể tự nhiên có đời sống riêng và có quan hệ mật thiết với đời sống cư dân trong khu vực. Vì thế, mọi can thiệp vào sông cần hết sức thận trọng, nếu không sẽ hứng chịu những hậu quả khôn lường. Với sông Hồng, điều đó càng cần thận trong hơn, vì nó là con sông chính yếu của Bắc Bộ, nơi có nền Văn minh Sông Hồng và Thủ đô của cả nước.
Một dự án đắp 6 con đập dâng nước trên đoạn sông với tổng chiều dài 510km khác nào ngăn nó thành 6 cái hồ nước biệt lập. Nên nhớ, chỉ riêng hồ Baikal ở Nam Sibia của nước Nga đã có chiều dài tới 636km, nghĩa là dài hơn cả đoạn sông Hồng chảy trong lãnh thổ Việt Nam. Như thế, nếu chấp thuận dự án này có nghĩa là chúng ta đồng tình tiêu diệt một dòng sông. Khi đó về thực chất nó không còn chút nào đời sống của một con sông nữa.
Lượng phù sa khổng lồ của nó sẽ lần lượt lắng đọng trong từng hồ chứa nhân tạo, giảm dần về phía hạ nguồn, để đến khi đổ vào cửa Ba Lạt thì nước sông thậm chí không còn phù sa nữa, chẳng khác so với nước ở cửa sông Bạch Đằng vốn là một cửa sông dạng phễu (estuary) khá điển hình. Đấy là chưa kể, lưu lượng sông vốn đã bị hạn chế nhiều do bị chặn bởi dãy các nhà máy thủy điện trên chi lưu sông Đà (các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), giờ tiếp tục bị hạn chế thêm bởi 6 hồ chứa nước nhân tạo trên dòng chính sông Hồng nữa, sẽ bị giảm thiểu tới mức nào. Hậu quả rõ ràng là cân bằng sinh thái ở khu vực cửa sông bị phá vỡ do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn phù sa và lượng nước được cấp. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của cộng đồng dân cư của cả vùng sông nước vốn được coi là trù phú ở dải duyên hải miền Bắc.
Nguy cơ thứ hai là khi dòng chảy tự nhiên của sông Hồng không còn, lưu lượng nước sông sẽ tùy thuộc vào sự điều khiển của con người, mà điều này chắc chắn liên quan đến quyền lợi kinh tế của chủ đầu tư. Dải đất ven sông cũng không còn được tồn tại theo quy luật của tự nhiên nữa, độ bền vững của nó suy giảm theo thời gian vì bị phơi khô vào những thời gian hồ thủy điện tích nước. Do đó khi các nhà máy xả lũ, dòng chảy lũ có thể gây xói lở bờ nghiêm trọng. Hiện tượng này từng được thấy tại nhiều vùng đất ven sông Hồng bị sạt lở, kiểu như ở Phúc Thọ, Tứ Liên, Ngọc Thụy thuộc địa bàn Hà Nội trong những năm gần đây.
Cần lưu ý, các chủ đầu tư khi xây dựng dự án thủy điện luôn hứa hẹn sẽ không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhưng trên thực tế, mạng lưới các nhà máy thủy điện mọc lên như nấm ở khắp nơi trên đất nước ta, điển hình là khu vực Tây Nguyên, đã có ảnh hưởng cực kỳ xấu đến môi trường, nếu như chưa muốn nói đến từ thảm họa. Hẳn chúng ta chưa quên được những trận lũ và những mùa khô hạn kinh hoàng, những thác nước tuyệt vời của Tây Nguyên lặng lẽ trút đi chút vẻ đẹp cuối cùng. Tất cả đều có nguyên nhân gắn với mạng lưới thủy điện mọc lên chi chít, không thể nào kiểm soát được.
Cuối cùng, đa dạng sinh học của sông Hồng sẽ bị hủy hoại là điều chắc chắn xảy ra nếu như dự án này được thực hiện. Vấn đề không chỉ còn là ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, mà là hủy hoại nó. Với các đập thủy điện trên sông Đà, nguồn gen sinh học từ chi lưu này đối với sông Hồng hầu như đã bị cắt bỏ hoàn toàn. Thêm 6 đập dâng nước trên dòng chính sông Hồng nữa thì có thể nói đa dạng sinh học của sông Hồng sẽ bị phá vỡ thành từng mảnh. Nguồn lợi cá bột có nguồn gốc từ các bãi đẻ trên thượng nguồn sông Hồng và các chi lưu của nó sẽ không còn đối với cư dân hai bên bờ con sông trải dài nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Không chỉ thế, trong từng đoạn sông bị phân cắt, chế độ dòng chảy, chế độ phù sa cũng không còn như cũ, làm cho môi trường sinh thái hoàn toàn bị thay đổi.
Chúng ta đã bước sang năm thứ 16 của thiên niên kỷ mới, được trang bị những kiến thức đủ để thấu hiểu các quy luật của tự nhiên và xã hội.
Chúng ta đã có một nền tảng kinh tế-xã hội thuận lợi để xem xét vấn đề sông Hồng một cách cẩn trọng và thấu đáo nhất có thể. Nhiều bài học từ những sai lầm trong quá khứ còn nhắc nhở chúng ta.
Vì vậy, không có lý do gì để bây giờ chấp thuận một dự án phiêu lưu, tiềm ẩn những nguy cơ lớn hủy hoại môi trường sinh thái, đời sống cư dân và văn hóa-xã hội như “Siêu dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện”.
Với tư cách là nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về địa chất, tôi thận trọng kiến nghị Chính phủ loại bỏ siêu dự án xây dựng tuyến giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng.
Cũng có ý kiến cho rằng nên tổ chức các hội thảo, hội nghị để xem xét Dự án kỹ hơn. Tôi ủng hộ ý kiến này, nhưng đề nghị để bớt tốn kém tiền của của Nhà nước và nhân dân, nhà đầu tư phải chi toàn bộ kinh phí hội thảo, hội họp.
PGS. TS. Tạ Hòa Phương - Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sửChủ tịch Hội Cố sinh-Địa tầng Việt Nam