Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội hai phương án để quyết định.

Phương án một là thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Phương án 2 là vẫn áp dụng việc xử bắn.

Về phương án một, Ủy ban Thường vụ cho rằng quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Để có thời gian chuẩn bị, luật nên quy định hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc được thực hiện sau một năm kể từ khi luật có hiệu lực. Trong thời gian này vẫn áp dụng cách xử bắn như quy định hiện hành.

Về hài cốt của người bị thi hành án tử hình, Ủy ban Thường vụ cho rằng quy định như dự thảo về việc thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận tro cốt sau 3 năm kể từ ngày mai táng là phù hợp. Việc này cũng phù hợp với phong tục, tập quán của nhiều địa phương hiện nay; cũng như yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường.

Còn về việc cho nhận tử thi, có đại biểu đề nghị cho phép thân nhân người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi về mai táng. Ủy ban Thường vụ nhận thấy, việc này dễ gây ảnh hưởng về trật tự, an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như bảo quản tử thi, tổ chức mai táng.

Tuy nhiên, đây là vấn đề nhân đạo nên cần được cân nhắc để cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi, nhưng phải đáp ứng các điều kiện về đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Vì lẽ đó, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc này.

Quỳnh Anh (TH)