Sẽ thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa các thời kỳ

Bộ LĐTBXH vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Hậu Giang, T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, cử tri đề nghị Nhà nước, các cấp, các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh tăng lương hưu cho cán bộ xã nghỉ hưu trước năm 2009; các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1993 mức lương thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cũng theo kiến nghị, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, trong đó có người nghỉ hưu trước tháng 4-1993. Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương hưu qua các giai đoạn, cho thấy đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch về mức lương hưu của người hưởng lương hưu, khoảng 20% số người nghỉ hưu trước tháng 4-1993 có mức lương hưu dưới 2,5 triệu đồng/tháng, khoảng 57% số người nghỉ hưu trước tháng 4-1993 có mức lương hưu từ 2,5 triệu đồng/tháng đến dưới mức lương hưu bình quân, một bộ phận người nghỉ hưu trước tháng 4-1993 còn nhiều khó khăn. Đồng thời, việc điều chỉnh cùng tỷ lệ giữa những người có mức lương hưu thấp và người có mức lương cao, nên số tiền tuyệt đối tăng thêm là khác nhau, phát sinh chênh lệch về mức lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm điều chỉnh.

Triển khai Nghị quyết số 28 và Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Mai Phương