Cụ thể gồm xăng dùng cho các loại động cơ; dầu diesel; nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng; nhiên liệu dùng cho máy bay quân sự; dầu thô và các loại xăng dầu dự trữ nhà nước khác.

Thủ tướng Chính phủ điều hành tập trung, thống nhất việc tổ chức quản lý xăng dầu dự trữ nhà nước; phân công các Bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ nhà nước. Các Bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước cho dự trữ xăng dầu, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 10/7 hàng năm để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quy chế, việc nhập, xuất xăng dầu dự trữ nhà nước phải bảo đảm an toàn đối với xăng dầu dự trữ nhà nước, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ được Chính phủ giao; đúng chủng loại, số lượng, chất lượng, giá cả, đối tượng, thời gian, địa điểm quy định và có đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo chế độ quản lý tài chính và quy phạm bảo quản hiện hành...

Căn cứ tiêu chuẩn, chất lượng xăng dầu, thời hạn lưu kho theo quy định, hàng năm các Bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ nhà nước lập kế hoạch xuất bán hàng cũ, nhập hàng mới theo quy định. Việc thực hiện kế hoạch nhập, xuất luân phiên đổi hàng phải theo đúng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước được giao, đảm bảo mức dự trữ tồn kho theo quy định.

Xăng dầu dự trữ nhà nước phải được bảo quản tại những điểm kho có bồn, bể được ghi số hiệu đăng ký với cơ quan quản lý cấp trên; có đủ hồ sơ theo dõi số lượng và giá trị từng bồn, bể.

Việc xây dựng kho xăng dầu dự trữ nhà nước phải tuân thủ quy hoạch tổng thể hệ thống kho xăng dầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo quản tiên tiến; có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cần thiết cho việc thực hiện quy trình nhập, xuất, bảo quản, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy; kho phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5./.

Cao Thúy