Sáu lĩnh vực then chốt trong hợp tác ASEAN và EU (11/03/2013)

AEBS là cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và EU tăng cường hợp tác, kết nối, trực tiếp trao đổi và bày tỏ quan điểm cũng như những mong muốn, kiến nghị của mình đến các cơ quan quản lý ASEAN và EU.

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, đại diện hơn 700 doanh nghiệp ASEAN và EU đã trao đổi thẳng thắn các khuyến nghị, chính sách có thể thực hiện trong tương lai để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai khu vực.

Với thế mạnh và tiềm năng về nông nghiệp của các nước ASEAN, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp được phía EU đặc biệt quan tâm. Các đại biểu cho rằng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cần phải được giảm dần theo thời gian. Mục tiêu tập trung vào các thỏa thuận tự do thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN và EU tạo cơ hội để loại bỏ thuế quan và các thủ tục gây phiền hà.

Các biểu thuế và luật lệ nội địa cần được đơn giản hóa, minh bạch và tuân thủ đầy đủ các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc hài hòa và đơn giản hóa các luật lệ về nhãn mác sẽ làm giảm nhẹ các quy trình, giảm giá thành và di chuyển các kho hàng giữa các thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Trong ngành Công nghiệp ô tô, phía EU khuyến nghị ASEAN nên thông qua các điều luật tiêu chuẩn UNECE (Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu) cho các sản phẩm ô tô và hợp tác chặt chẽ với toàn bộ các quốc gia trong khu vực để tuân thủ 19 ưu tiên trong tiêu chuẩn UNECE.

Mục tiêu là đạt được một cơ chế pháp quy đơn nhất trong ASEAN vào năm 2015. EU tán thành việc các cơ quan chức năng ở các nước ASEAN chấp thuận các báo cáo thử nghiệm của những cơ quan nước ngoài đủ tư cách.

Về Dịch vụ tài chính, các đại biểu đã nhất trí rằng đã có quá nhiều cuộc thảo luận về một “Giấy phép ngân hàng ASEAN hợp chuẩn”, về những yêu cầu hợp chuẩn và những tác động đáng hoan nghênh của nó đối với những ngân hàng quốc tế đang hoạt động trong khu vực. Việc thúc đẩy thanh toán điện tử qua biên giới sẽ tăng cường cho các dòng thương mại nội khối ASEAN và phù hợp với xu thế thành lập một thị trường hội nhập đích thực.

Hiện nay, các hệ thống thanh toán trong khu vực không thường xuyên tương thích với nhau và sẽ cần nhiều sự hợp tác để tạo ra một hệ thống hài hòa, cho phép hệ thống thanh toán quốc nội vận hành và thực hiện các chức năng quốc tế.

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được cho là mũi nhọn thúc đẩy nhiều ngành kinh tế. Các chuyên gia tại hội nghị khẳng định khu vực viễn thông cần một cơ cấu hợp lý, với sự đối xử công bằng và minh bạch. Cần thiết sửa đổi các luật và điều lệ nhằm khuyến khích di chuyển tự do nguồn nhân lực có kỹ năng và đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và đào tạo trong các lĩnh vực ICT.

Các đại biểu cho rằng trong lĩnh vực Hạ tầng và kết nối, các hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ kho vận không những làm ảnh hưởng tới tính hiệu quả của các công ty kho vận, mà còn gây nguy hại cho sức cạnh tranh của nền kinh tế mỗi quốc gia.

EU cho rằng các nước ASEAN nên có những bước đi thích hợp để dỡ bỏ các hạn chế và tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa qua biên giới để thúc đẩy thương mại và đầu tư, cải thiện năng suất trong sản xuất và hạ chi phí kinh doanh.

Trong lĩnh vực Dược phẩm, y tế, ngành dược phẩm EU đề nghị ASEAN thường xuyên có các cuộc tham vấn khu vực tư nhân hơn nữa trước thực tế có nhiều thay đổi trong các điều luật nội địa. Và các vấn đề khu vực tư nhân cần được giải quyết thường xuyên hơn ở cấp ASEAN.

Trong lĩnh vực này, ngành công nghiệp dược EU kêu gọi ASEAN và các quốc gia thành viên giải phóng các luật về quyền sở hữu của nước ngoài để có sự phù hợp với các điều luật của WTO, để các công ty trong lĩnh vực này của EU có thể cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nội địa ASEAN.

Với tinh thần thẳng thắn và mong muốn nâng tầm hợp tác thương mại và đầu tư với các nước ASEAN, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Preben Hjortlund khẳng định, giới doanh nghiệp EU khi đầu tư và kinh doanh tại ASEAN đều mong muốn được tiếp cận với các chính sách, luật lệ đầu tư minh bạch, rõ ràng và công bằng.

Ông cho rằng nếu chính phủ các nước ASEAN muốn thu hút đầu tư thương mại thì phải có chính sách đối xử không phân biệt với tất cả các doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp đến từ ASEAN hay doanh nghiệp đến từ EU.

Cuối phiên tham vấn chiều 9/3, Cao ủy Karel DeGucht khẳng định ASEAN và EU là hai thị trường lớn nhất thế giới, với tiềm năng hợp tác đầu tư thương mại rất lớn. Cho dù còn tồn tại những bất đồng về mặt quan điểm tiếp cận, nhưng vì lợi ích chung cho cả doanh nghiệp ASEAN và EU, những bất đồng này đều có thể giải quyết được thông qua đối thoại thẳng thắn để đi đến thống nhất.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU lần thứ 3 - một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19, Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Cao ủy Thương mại EU lần thứ 12 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6-9/3./.

Theo Vietnam+

(TH)