Sau cuộc tấn công khủng bố ở Pháp: Châu Âu đang lên cơn sốt
Từ hôm 17-1, Bỉ bắt đầu triển khai quân đội tuần tra trên đường phố thủ đô Brussels và TP. Anves, nơi có đông đảo người Do Thái sinh sống.
Cảnh sát Pháp, Hy Lạp và Đức đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét, bắt giữ hàng chục người nghi ngờ liên quan tới các nhóm cực đoan, thu giữ nhiều vũ khí như súng tự động, đạn và chất nổ.
Trong khi đó, Anh siết chặt các biện pháp kiểm soát và theo dõi tất cả các trang mạng xã hội nhằm phát hiện và ngăn chặn những kẻ tình nghi khủng bố.
Cả châu Âu đang trong tình trạng báo động an ninh. Châu Âu lên cơn sốt trong bối cảnh tạp chí Charlie Hebdo vừa phát hành số mới, trang bìa vẫn là hình ảnh nhà tiên tri Mohammad, với một giọt nước mắt trên má trái và hai tay cầm tấm bảng viết chữ "Tôi là Charlie".
Hình ảnh biếm họa nhà tiên tri của đạo Hồi ngay lập tức dấy lên một làn sóng phản đối trong thế giới Hồi giáo. Nhiều nơi trên thế giới, cờ Pháp và hình ảnh của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bị đốt cháy, nhà thờ và các trung tâm văn hóa Pháp bị tấn công, các công ty Pháp cũng trở thành mục tiêu của những kẻ bạo động. Tại Niger, 4 người đã thiệt mạng sau khi đám đông biểu tình trở nên kích động, tấn công Trung tâm Văn hóa Pháp và đốt các nhà thờ làm nhiều cảnh sát bị thương. Chính quyền 2 quốc gia Hồi giáo tiêu biểu Ai Cập và Iran đều chỉ trích kịch liệt việc Charlie Hebdo tái diễn việc đăng hình biếm họa nhà tiên tri Mohammad. Iran đã đóng cửa một tờ báo vì đưa trên trang nhất dòng tiêu đề gây tranh cãi "Tôi là Charlie"… Động thái của Ai Cập và Iran cho thấy, mâu thuẫn về tôn giáo giữa đạo Hồi và "tự do ngôn luận" châu Âu đã lên tới đỉnh điểm.
Lý giải cho các vụ tấn công khủng bố ở Pháp, người ta có thể nhắc đến những đối tượng Hồi giáo cực đoan đầy lòng thù hận luôn tìm cách chống lại phương Tây. Hiện có khoảng 20 triệu người Hồi giáo định cư tại 28 nước thành viên EU, trong đó không ít người đang chật vật tìm cách hội nhập vào xã hội “lục địa già”, song những khác biệt giữa hai nền văn minh nhiều khi làm nảy sinh không ít xung đột. Bên cạnh đó, sự tham gia “nhiệt tình” trong Liên minh quốc tế chống IS ở Iraq và Syria cũng được xem là nguyên nhân khiến cho Pháp trở thành một mục tiêu tấn công mà các tổ chức Hồi giáo cực đoan hướng tới.
Hàng loạt chính sách mà một số nước châu Âu áp dụng nhằm vào tôn giáo và văn hóa của người Hồi giáo đã và đang gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo. Điều đó đã được các phần tử cực đoan, khủng bố tận dụng làm cái cớ kích động và lôi kéo những người Hồi giáo ở châu Âu vào hàng ngũ thánh chiến.
Cách tiếp cận bài ngoại mà một số lực lượng chính trị ở châu Âu đang áp dụng hiện nay đối với cộng đồng Hồi giáo vô tình đã gieo mầm cho lòng hận thù, trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan và khủng bố phát triển. Ví dụ điển hình nhất là “tinh thần dũng cảm” của tạp chí Charlie Hebdo, thậm chí sau khi đã bị tấn công dẫn đến cái chết của 12 con người ngày 7-1.
Một trong những người sáng lập tờ Charlie Hebdo, ông Henri Roussel 80 tuổi, đã cáo buộc Tổng biên tập vừa bị sát hại Stephane Charbonnier đã “kéo cả đội” vào chỗ chết bằng cách đăng các tranh biếm họa đầy khiêu khích. “Điều gì khiến anh ta cảm thấy cần thiết phải kéo cả đội làm quá lên việc đó,” - ông viết, ngụ ý về quyết định của Charbonnier khi đăng bức họa Mohammed trên trang nhất tờ Charlie Hebdo từ năm 2011 và lặp lại việc đó một năm sau, vào tháng 9-2012, bất chấp văn phòng của báo đã bị cảnh cáo bằng cách châm lửa đốt.
Giáo hoàng Francis cho rằng tự do ngôn luận là cần thiết, nhưng điều gì cũng có giới hạn. "Có rất nhiều người nói xấu tôn giáo nói chung, hoặc nói xấu tôn giáo khác. Ta không được khiêu khích. Ta không được xúc phạm đức tin của người khác. Ta không thể lấy đức tin của người khác ra làm trò đùa. Điều gì cũng có giới hạn của nó".
Việc tăng cường an ninh, dù ở mức cao nhất, cũng khó có thể giúp châu Âu ngăn chặn được khủng bố một cách triệt để. Châu Âu đang lên cơn sốt. Và cơn sốt này sẽ không bao giờ dứt mà ngày càng tăng nhiệt, một khi châu Âu không giải quyết được tận gốc nguyên nhân nảy sinh bạo lực, đồng thời có cách tiếp cận tôn trọng đối với nền văn hóa của các dân tộc, tôn giáo khác.
Nguyễn Đăng Song