Tính đến cuối năm 2009, cả nước đã có trên 9,1 triệu người lao động đã cùng với cơ quan sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo cuộc sống của mình khi không còn lao động. Vậy nhưng, bên cạnh những mặt tích cực của công việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội thì trong thực tế, ba năm qua cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp, tác động xấu đến ngay chính quyền lợi của người lao động .

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), trong công tác bảo hiểm xã hội hiện nay có một vấn đề nhức nhối là tình trạng doanh nghiệp chây ì, nợ đọng và chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong thực tế ba năm qua ở nước ta cho thấy đã có rất nhiều doanh nghiệp làm động tác này, đặc biệt là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ở các khu công nghiệp, các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng… và thuộc các ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông; chủ sử dụng lao động sau một thời gian “gặt hái” lợi nhuận đã lập kế hoạch vơ vét tài sản, nợ lương và nợ bảo hiểm xã hội của công nhân rồi âm thầm “cao chạy xa bay” về nước mặc kệ cuộc sống người lao động Việt Nam. Còn có rất nhiều chủ doanh nghiệp trong nước khác tuy không “cao chạy xa bay” nhưng dùng nhiều “bài” để không nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động, thậm chí lại còn trích thu bảo hiểm xã hội trong phần lương ít ỏi của người lao động nhưng không đem nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội mà tự ý sử dụng chi tiêu… Cách tính đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của các doanh nghiệp cũng được tính toán rất kỹ, họ chỉ tìm cách đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ở mức thấp nhất, gây khó cho cơ quan bảo hiểm vì chỉ thu được mức tiền nhỏ nhất và người lao động khi nghỉ hưu cũng chỉ được hưởng ở mức thấp nhất. Các doanh nghiệp thường “chẻ nhỏ” thu nhập và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trên tiền lương tối thiểu. Thống kê của Vụ BHXH cho thấy, trong năm 2009, mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là 1.419.000 đồng, bằng 62% thu nhập thực tế của người lao động, nguy cơ người lao động trở thành người nghèo khi nghỉ hưu là rất lớn. Ba năm qua, số nợ đọng bảo hiểm xã hội trong cả nước luôn ở mức trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm, đồng nghĩa với quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động bị vi phạm vì cơ quan bảo hiểm xã hội không vào sổ cho những người này. Hàng loạt người lao động đã làm việc vài ba năm cho đến hàng chục năm tại các doanh nghiệp, nay mất việc chỉ còn biết kêu trời vì công sức đi làm bấy nay trôi theo nắng, theo mưa không ai đoái hoài. Chuyện đã rành rành, các cơ quan quản lý chức năng biết, người lao động biết nhưng sự việc vẫn chưa chuyển biến được là bao.

Nhà nước ta đã có nhiều văn bản, nghị định, quy định có tính ràng buộc của pháp luật để khắc phục hiện tượng này nhưng cho tới nay, hiệu quả vẫn còn rất thấp, mà nguyên nhân chính là mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay quá thấp so với lợi nhuận do trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không nộp phạt nhưng những cơ quan chức năng cũng đành bó tay. Thủ tục xử lý vi phạm cũng còn hết sức rườm rà, muốn chuyển từ xử lý hành chính sang xử lý hình sự thì phải mất thời gian rát lâu, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vi phạm, thậm chí là quá đủ thời gian để “quỵt lương, quỵt bảo hiểm xã hội” và đàng hoàng thu hết mọi lợi nhuận và giải tán doanh nghiệp trước khi các cơ quan chức năng tìm đến. Từ chuyện này càng không khuyến khích được các doanh nghiệp chân chính nộp đúng, nộp đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động vì họ thấy chẳng sao, mà lại chỉ mất tiền đi (…). Cũng nguyên nhân từ các cơ quan chức năng, luật pháp đã cho phép có quyền rút giấy phép hoạt động tạm thời hay vĩnh viễn đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội thì tại các địa phương “nóng” chuyện nợ bảo hiểm xã hội, chưa có nơi nào áp dụng quyền này. Tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan bảo hiểm xã hội và ngành lao động thương binh và xã hội đã từng kiến nghị rút giấy phép một doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhưng trên thực tế, sự việc sau đó lại rơi vào im lặng một cách khó hiểu.

Để bảo vệ quyền lợi người lao động và chấn chỉnh việc thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đề ra, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Công tác tuyên truyền thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội trong người lao động và trong chính các chủ doanh nghiệp cũng cần được thực hiện sâu rộng hơn, họ cần được biết rõ các nguyên tắc, các quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện về bảo hiểm xã hội để thực hiện đúng quy định, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chính mình. Việc ấy là việc cần làm ngay.

Bài và ảnh: THANH HUYỀN