Sao chổi đang bay sát trái đất (08/03/2013)
Pan-STARRS, thiên thạch mà các nhà khoa học mới phát hiện, đang bay gần trái đất trong hành trình xuyên Thái Dương Hệ của nó, AP đưa tin. Hôm qua nó chỉ cách trái đất chừng 160 triệu km - khoảng cách ngắn nhất so với địa cầu trong hành trình của nó. Vào cuối tuần này nó sẽ tới gần mặt trời hơn. Khi đó nó chỉ cách mặt trời gần 45 triệu km và lọt vào quỹ đạo của sao Thủy.
Người dân ở bán cầu nam đã có thể quan sát Pan-STARRS từ vài tuần qua. Giờ đây đến lượt người dân trên bán cầu bắc có cơ hội chiêm ngưỡng nó.
5 và 6/3 là hai ngày mà người trên bán cầu bắc có thể quan sát Pan-STARRS dễ dàng nhất, bởi nó sẽ xuất hiện gần mặt trăng vào lúc hoàng hôn ở vùng trời phía tây. Vào những ngày khác, ánh sáng từ mặt trời sẽ khiến chúng ta không thể thấy sao chổi.
Tony Phillips - một nhà thiên văn tại bang California, Mỹ - nói rằng việc sao chổi xuất hiện gần mặt trăng giúp những người yêu thiên văn xác định vị trí của nó nhanh chóng hơn. Ông khuyên mọi người dùng ống nhòm để có thể quan sát sao chổi dễ dàng.
"Bạn nên đợi cho tới khi mặt trời khuất hẳn trước khi bắt đầu tìm sao chổi", Philips nói.
Một kính thiên văn trên quần đảo Hawaii của Mỹ phát hiện Pan-STARRS hai năm trước. Nó tới từ đám mây Oort gần sao Hải Vương và sao Diêm Vương. Vì một lý do nào đó, Pan-STARRS di chuyển vào bên trong hệ Mặt Trời. Các nhà khoa học cho rằng tuổi đời của nó lên tới vài tỷ năm.
"Trước đây nó chưa bao giờ lướt qua trái đất", Philips khẳng định.
Theo Vnexpress
(TH)