Đọc báo Văn Nghệ Xuân Bính Thân - 2016, bắt gặp một số sai sót, nhưng trong đời làm báo của mình không khỏi có vài sai sót kiểu như vậy, nên tôi xem lỗi đó cũng là lỗi của mình. Đến tờ Văn Nghệ Xuân Đinh Dậu - 2017, thấy những sai sót đó lại tái diễn với mật độ không kém thua báo Bính Thân, tôi đã thấy ái ngại, nhưng với bản tính không ưa "bới bèo ra bọ", tôi lại im. Nay cầm tờ Văn Nghệ Tết Mậu Tuất, tôi hi vọng đừng "quá tam ba bận", nhưng (lại nhưng), điều đó vẫn xảy ra, và có vẻ tệ hại hơn. Xin xâu chuỗi những hạt sạn đó và chia sẻ cùng bạn đọc.

Với Văn Nghệ Xuân Bính Thân, sai sót về tính chính xác của nhân vật, sự kiện thể hiện ở bài "Tài hoa Lê Đình Cánh" của tác giả Lê Tuấn Lộc. Bố vợ của nhà thơ Lê Đình Cánh trước khi hy sinh ở chiến trường là Đại tá Đặng Tính, thì tác giả phong vượt mấy cấp thành Thượng tướng. Ông là Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đoàn 559, tác giả lại viết là Tư lệnh Đường 9. Sai cả về cấp bậc và chức vụ. Cũng bài viết này, câu chữ lắm chỗ vụng về, như: "Mảnh vườn bao quanh biệt thự để trồng hoa và lan..."; "Quả đu đủ đã bị cái gì đó ăn rỗng ruột..."; "Khóm hồng trong trong những chậu..."... Các bài "Xuyên đại dương và xuyên cuộc đời" của Kiều Thu Huyền, "Nhớ về thi sĩ của mùa xuân và tình yêu" của Chu Huy Sơn, "Nết đất" của Song Hào, "Giấc mơ có tiếng lửa reo" của Trương Thanh Thùy, "Bạc màu áo ngự" của Lê Vũ Trường Giang..., lỗi chính tả nhặt được cả vốc! "Gia công" viết thành "ra công", "rời xe" thành "dời xe", "chống chọi" thành "chống trọi", "Tòa Thượng thẩm" thành "Toàn Thượng thẩm"... Chú thích ảnh bài thơ "Lũng Cú" của Mai Phương là "... biên giới phía Bắc Tổ" (thiếu từ "quốc"). Bài "Người giữ ấm mùa xuân" của Cao Ngọc Thắng viết về họa sĩ Ngọc Linh, nhưng ảnh chú thích chân dung nhân vật lại là nhạc sĩ Ngọc Linh! Ở bài "Từ quê hương Chopin viết giao hưởng thơ Kiều" của Nguyễn Lương Phán, tôi đọc một câu, cứ thấy rờn rợn: "...Và gần đây sau bao nhiêu năm gắn bó với âm nhạc, với cuộc đời ngay trên quê hương Chopin này, từ những ý tưởng của thời sinh viên, nhưng hầu như tôi đã viết lại toàn bộ những bản ác"... Hoàn toàn không hiểu nổi!

Với Văn Nghệ Xuân Đinh Dậu, sai sót về thông tin tư liệu và lỗi kỹ thuật lặp lại với tần suất khá dày dặn. Bài "Tạp chí Hoa Sen và văn học Việt Nam" không có tác giả. Bài "Tháng giêng trảy hội Đình Rồng" của Trần Nhuận Minh có sự kiện năm 1741 Nguyễn Tuyển thua Hoàng Nghĩa Bá và tử trận ở Phao Sơn, lại nhầm thành năm 1941. Thành ngữ Việt có câu: "Khai sơn phá thạch", thì bài "Sắc xuân trên bờ sông Vàm Cỏ" lại viết "Khai thiên phá thạch". Đầy rẫy trong các bài là lỗi kỹ thuật: "nguyên cớ" thành "nguyên có", "chèo bẻo" thành "chèo bẻ", "nhởn nhơ" thành "nhở nhơ", "nguồn gốc" thành "người gốc", "Trút ách trên vai" thành "chút ách trên vai", "thắt rút quần" thành "thắt dút quần", "xứ sở" thành "xứ xở", "Còn những mặt yếu của con người..." thành "Con những mặt yếu của con người"...

Cầm Văn Nghệ Xuân Mậu Tuất, với trang bìa rất Văn Nghệ, rất đẹp, tôi những mong không vấp lại những hạt sạn đã nhằn phải. Nhưng thưa bạn đọc, bập vào trang đầu của báo, tôi đã không tin vào mắt mình. Để rồi lần sang trang 5 thì không phải tôi nhầm, mà Văn Nghệ đã sửa bài thơ Mừng xuân 1968 của Bác Hồ không phải một lần mà tới hai lần (bài "xã luận" và bài "Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến" của Bùi Việt Thắng). Ở đây, cả Văn Nghệ và tác giả Bùi Việt Thắng đã thêm hai từ "Tiến lên" vào câu cuối bài thơ Mừng xuân 1968 của Bác:

"... Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Tiến lên toàn thắng ắt về ta".

Với bài thơ chúc Tết năm 1969 của Bác, câu "Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn", Văn Nghệ lại dẫn là: "Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn"; từ "xum" được nhắc tới vài lần, càng làm cho tôi thấy phản cảm.

Thưa cùng bạn đọc, vừa bập vào tờ báo đã bị "sốc" bởi sự sai sót có thể nói là "phạm húy", chẳng còn hứng thú gì đọc, nhưng để kiểm chứng cho điều mà người đời thường rất kỵ là "quá tam ba bận", tôi liếc qua một vài bài, thì những sai sót về kỹ thuật ở Văn Nghệ số Xuân này cũng không là ngoại lệ: "Say sưa" thành "say xưa" (xã luận), "bọn" trộm cắp thành "bọ" trộm cắp ("Độc đáo nhị vị..." của Xuân Ba), "ý chí" đấu tranh thành "ý trí" đấu tranh ("Những dấu ấn thiêng liêng" của Nguyễn Đăng Sâm), cơn "mơ màng" thành cơn "mơ nàng" ("Chuyến bay đêm" của Ma Văn Kháng); "Xín Mần" thành "Xín Mầm", "chiêu ấm trà" thành "chiên ấm trà" ("Nhà văn Tô Hoài..." của Võ Bá Cường), tác phẩm "Phá vây" của nhà văn Phù Thăng thành "Phá vàng" ("Nhà văn vui xuân" của Ngô Vĩnh Bình)...

Cùng làng báo, thiển nghĩ chẳng hay ho gì nói về sai sót của đồng nghiệp, nhưng để sai sót cứ diễn ra đều đều rồi rơi vào im lặng thì thật đáng sợ. Chưa nói đến nhưng sai sót về nội dung, sai sót về kỹ thuật kéo dài cũng là thiếu tôn trọng người đọc. Trên Báo CCB Việt Nam, số gần đây, tác giả Huy Thiêm đã rất lo ngại "sự im lặng đáng sợ" này khi bày tỏ chính kiến của mình về truyện ngắn "Diệu Ly" cũng của báo Văn Nghệ. Lần này đến lượt tôi!

Duy Tường