Sa Ná sau cơn thịnh nộ của trời đất

Sa Ná hoang tàn sau cơn lũ

Rạng sáng ngày 3/8, từ thượng nguồn, một trận lũ kinh hoàng ập đến khiến 75 hộ dân và gần 300 con người bản Sa Ná ( Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) bàng hoàng tỉnh giấc. Nhanh như chớp mắt, hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi theo lũ, 12 người mất tích, 5 người bị thương. Bản làng nghèo bên dòng sông Luồng bỗng chốc tan hoang, những phận người nơi đây, người tuyệt vọng vì mất đi người thân, người khốn khổ vì mất đi nhà cửa, tài sản...

Nỗi đau “trời phá”!

Sa Ná, đau đớn trồng đau đớn... Nỗi đau sau cơn lũ Ngược theo con sông Luồng, đoàn chúng tôi vượt dòng nước lũ, để tiếp cận được bà con Sa Ná, thay vì đi theo con đường bê tông trước khi lũ cuốn bay, sau chừng 2km trèo đồi, lội suối, chúng tôi mới đến được nơi.

Dòng nước nơi đây vẫn cuồn cuộn, đục ngầu chảy xiết như muốn cuốn phăng đi tất cả. Trước mắt chúng tôi, một Sa ná nghèo nhưng bình yên, hết đỗi dịu dàng không còn nữa, chỉ còn ngổn ngang những nhà cửa dổ nát, những hoang tàn mà trận lũ bất ngờ rạng sáng ngày mùng 3 để lại, những khuôn mặt mệt mỏi thất thần, những đứa trẻ lấm lem bùn đất vẫn ngác ngơ nhìn đoàn người lạ và tiếng khóc tức tưởi, tang thương của những gia đình mất người thân khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng ! Tai họa ập tới quá nhanh khiến người dân chới với, đau đớn đến tận cùng. Những người đàn ông tay rớm máu vẫn cố đào bới, tìm kiếm dưới đống đổ nát tung tích người thân. Dưới chân dãy núi Luốc Mu, Sa Ná là nơi sinh sống của hơn 70 hộ người dân tộc Thái với 3 khu dân cư.

Bao nhiêu năm qua, ngày họ lên nương, lên rẫy, tối quây quần đầm ấm bên bữa cơm gia đình. Chẳng thể nào quên được khuôn mặt thất thần, đau đớn của anh Hà Văn Vân, khi cùng một lúc mất đi 6 người thân, hiện mới chỉ tìm thấy thi thể con trai Hà Văn Quỳnh. Ngồi im như một bức tượng hướng mắt về con suối Son, anh Ngân Văn Thiên cũng như anh Vân và những người có người thân đang mất tích vẫn le lói tia hy vọng mong manh. Người ta kể lại rằng, anh Vân vừa rời bản đi theo bố vợ làm phụ hồ được một ngày công. Mùng 2 anh đi thì mùng 3 thác lũ đổ về cuốn trôi bố mẹ già, chị gái, vợ con… Giờ trong gia đình còn mỗi mình anh, không nhà, không cửa, không người thân! Anh khóc òa, gục ngã bên đứa con trai được lực lượng chức năng tìm thấy thi thể bị lấp vùi trong bùn đất, tưởng chừng như mọi thứ sụp đổ không thể nào gượng dậy được. Nỗi đau dồn nén trong trái tim của người đàn ông vốn dĩ mạnh mẽ, chất chứa trong đôi mắt nặng trĩu, đầy thương đau.

Hơn nửa đời người sống bên suối Son, ông Hà Văn Tom, chú ruột của anh Vân chưa bao giờ chứng kiến suối Son dữ dằn như thế. Chỉ một cơn thịnh nộ của nó đã biến Sa Ná hoang tàn, xơ xác. Cố nén những tiếng nấc nghẹn, chị Hà Thị Tâm, em họ của anh Vân ngậm ngùi kể: “Hàng ngày, mực nước dòng suối Son chỉ dâng chưa đến đầu gối, trẻ nhỏ cũng lội qua được. Mùa lũ, nước suối dâng cao cùng lắm cũng chỉ 1 m. Sáng 3/8, khi cơn lũ đầu về nhưng không to, sau đó mọi người bắt đầu trở lại nhà dọn dẹp. Khi mọi người đang dọn dẹp thì cơn lũ thứ hai bất ngờ đổ về, nó về nhanh lắm, nhanh đến mức mà mình không tưởng tượng được. Dòng lũ bắt đầu cuốn từ nhà văn hóa bản xuống, trên đường đi mọi thứ đều bị san phẳng. Em đứng mé bên kia đồi mà hét lạc cả giọng bởi vẫn thấy các anh, các chị vẫn đang dọn dẹp ở cuối bản. Chỉ chừng 10 phút sau cả một góc bản bị bùn đất, cây gỗ quét sạch. Cứ nhắm mắt lại là những hình ảnh kinh khủng ấy lại hiện lên trong đầu. Em chẳng thể quên được. Người cao tuổi trong bản bảo rằng, đây là trận lũ kinh khủng nhất trong lịch sử, chưa bao giờ như vậy…”.

Tìm kiếm trong tuyệt vọng!

Những hy vọng dần dụi tắt khi lực lượng chức năng tiến hành đào bới tung hết bản, tìm kiếm dọc suối Son, sông Luồng nhưng vẫn chưa có kết quả. 8 người dân Sa Ná vẫn đang nằm đâu đó dưới dòng nước lạnh ngắt, nỗi đau như nhân lên gấp bội, tiếng đục đẽo quan tài chờ người thân như cứa vào lòng người. Bỏ mặc lại nền nhà đang ngổn ngang đất đá, Ngân Văn Thiên (bản Sa Ná) vẫn đang cố gắng hoàn thành 2 chiếc quan tài bằng thân cây. Mỗi khi có người dân đi về, Thiên lại ngước mắt lên hy vọng có thông tin mới. Vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh phải đi làm xa, vừa rời bản được vài hôm thì nghe tin dữ, vội vã ra đi, vội vã trở về trong niềm hy vọng phấp phỏng. Thiên còn may mắn hơn gia đình anh Vân bởi người dân trong bản đã tìm thấy hai đứa con trai của anh cách nhà 4km khi hai đứa đang bò lổm ngổm trên mấy gốc cây, tuy nhiên bố mẹ anh thì bị dòng nước dữ cuốn trôi chưa tìm thấy thi thể.

Nước nắt người Sa Ná

Trong tâm trí của mấy trăm người dân Sa ná, có lẽ chẳng thể nào quên được cảnh tượng cơn lũ ập về. Thấp thoáng đâu đó hình ảnh họ hàng, người thân, xóm giềng của họ, còn nhấp nhô trên mái nhà, rồi bỗng chốc biến mất trong dòng nước lũ chảy cuồn cuộn, dữ dằn. Gieo mầm yêu thương chờ Sa ná hồi sinh Sau trận lũ cuồng phong, Sa Ná cô lập giữa núi rừng, để tiếp cận bản , các y bác sĩ, lực lượng biên phòng, công an phải dùng ca nô, bè mảng vượt lũ để tới nơi chăm sóc người bị thương và tiếp tế lương thực.

Để tiếp cận, tiếp tế được lương thực cho bà con Sa Ná, người dân, chính quyền cũng như lực lượng chức năng phải phụ thuộc vào 4 sợi dây cáp treo, 1 bè mảng. Không có gì là đảm bảo an toàn khi mà lũ dữ vẫn gầm gào thách thức nhưng không một ai ái ngại chuyện lên bè vượt lũ đến với bà con.Từng chuyến hàng cứu trợ ít ỏi được vận chuyển trên bè mảng rồi cõng vào trong bản. Phía bên ngoài bản Hiềng, nơi dòng sông Luồng chia cắt, hàng trăm người vẫn chờ ngóng thông tin, đợi nước xuống để có thể vào hỗ trợ người thân phía trong.

Dọc 2 bên đường từng đoàn người, xe nối đuôi nhau không ngớt. Họ có thể là anh em, họ hàng, bạn bè... nhưng cũng có khi chưa một lần quen biết, biết đồng bào mình trong cơn hoạn nạn, họ sang để thăm hỏi, chia sẻ và động viên. Trên tay có thể là xách mì tôm, bao gạo, vài chai nước mắm, thùng nước uống... Chính quyền địa phương xã Na Mèo đã huy động 2 máy xúc, lực lượng vũ trang điều động trên 200 cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hành quân về Sa Ná giúp dân. Cùng với đó, lực lượng thanh niên, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang quân đội, công an, dân quân địa phương đã tổ chức thành nhiều mũi đi dọc sông suối mong tìm được người bị nạn. Một bộ phận tập trung tháo dỡ nhà cửa bị lũ cuốn đổ và tìm kiếm người ở những nơi có nguy cơ bị vùi lấp. Ngoài ra, các lực lượng quân y, y tế địa phương cũng được bố trí túc trực chăm sóc sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh sau lũ. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ lâu dài cho bà con và lực lượng làm nhiệm vụ, một đường ống nước tự chảy cũng đã khẩn trương được lắp đặt dẫn nước từ đỉnh núi về bản.

Sa Ná đợi ngày hồi sinh

Sáng ngày 8/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng các Ban, Bộ, ngành đã đến thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại bản Sa Ná. Ông trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi các gia đình bị mất nhà, có người tử vong và mất tích, chia sẻ đau thương, mất mát cùng cực với các gia đình và động viên các gia đình nén đau thương, tập trung ổn định đời sống và tính phương án tái sản xuất về sau.

Các đoàn cứu trợ từ thiện chia sẻ nỗi đau cùng người dân Sa Ná

Dọc 2 bên đường Trưởng ban Tổ chức Trung ương động viên các đoàn cứu trợ đang trên đường vận chuyển hàng hóa vào Sa Ná, tiếp tục đồng hành hỗ trợ đồng bào vùng lũ bằng những hành động, nghĩa cử thiết thực, phù hợp với nhu cầu của đồng bào.Bày tỏ xúc động trước tình cảm, nghĩa cử của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc dành cho bà con vùng lũ, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là biểu hiện rõ nét, sinh động truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta, nhân dân ta”. Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt cho biết: “Tính đến thời điểm này, ngoài sự quan tâm, ủng hộ của Đảng và Nhà nước, huyện cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, cá nhân khác trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, lương thực, thực phẩm đã cơ bản đáp ứng được trong thời gian trước mắt. Giữa ngổn ngang bộn bề, những suất quà tình nghĩa, những lời động viên sẻ chia đã, đang làm ấm lòng người dân vùng lũ”. Sa Ná mất mát, hoang tàn, cô quạnh, lòng người xót thương! Hàng ngày, hàng giờ, từ khắp mọi miền Tổ quốc, những người con đất Việt vẫn âm thầm trao gửi yêu thương, phát huy tinh thần " lá lành đùm lá rách " bao đời nay, gom góp sức người, sức của để chờ mong, hy vọng ngày Sa Ná được hồi sinh... Văng vẳng đâu đó trong tâm trí của đoàn chúng tôi khi về với Sa ná, vẫn là tiếng khóc tang thương, những ảnh mắt thơ dại, những con người mỏi mệt đợi chờ, trogn ánh mắt của họ vẫn xen lẫn giữa hy vọng và cả bất lực khi người thân ra đi không một lời từ biệt. Mong một ngày trở lại Sa Ná, lại sẽ thấy một bản làng nhỏ xinh, yên bình như vốn có, một Sa Ná tang thương sẽ dần trôi vào quên lãng....


                                                                Hoàng Thanh – Trang Nguyễn