Rủi ro lớn khi đầu tư vào tiền ảo
Đồng tiền điện tử Bitcoin.
Hiện nay có hàng nghìn loại tiền ảo khác nhau đang lưu hành trên thế giới cũng như tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ internet, việc tham gia đầu tư vào tiền ảo đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các hình thức này tạo ra những khoảng trống về mặt pháp lý, đa phần nhà đầu tiền ảo thường đi theo phong trào, thấy lãi suất cao, nhưng không kiểm chứng, đổ tiền vào đầu tư nên mất tiền thật.
“Sốt” tiền ảo vì lợi nhuận cao
Tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo là những khái niệm rất phổ biến, được tìm kiếm rất nhiều trong thời gian gần đây và đang tạo thành cơn sốt hiện nay. Trong thời gian ngắn, nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo được thành lập với cả hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn người tham gia. Hoạt động giao dịch tiền ảo thời gian qua thu hút nhiều cá nhân tham gia mua bán, đầu tư, trong đó nổi bật nhất là Bitcoin. Bên cạnh đó, sự xuất hiện Pi, một đơn vị tiền điện tử mới và các đơn vị tiền ảo khác trong đầu năm 2021 đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư mới tham gia.
Tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Đầu năm 2020, tin tưởng vào lời chia sẻ của một đồng nghiệp tại cơ quan, anh Nguyễn Tiến Sơn, trú tại phường phường Xã Đàn, quận Đống Đa, T.P Hà Nội đầu tư tiền vào Orius Capital, một nền tảng được giới thiệu là dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo để đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn từ 2-3% mỗi ngày. “Khởi điểm chỉ với 500 USD nộp vào mà ngày nào cũng lãi 4-6 USD, tính ra mỗi tháng cũng được cả trăm USD nên tôi không chần chừ mà quyết đầu tư luôn. Họ cam kết mọi nhà đầu tư tham gia đều sẽ được hoàn vốn sau 3 tháng và nhân đôi lợi nhuận chỉ sau 6 tháng” - anh Sơn nói.
Anh Sơn cho biết thêm: Thời điểm đầu, đúng như cam kết, hằng ngày tiền lãi được chuyển về tài khoản đều đặn, tiền lãi có thể quy đổi sang tiền đồng để rút ra hoặc tái đầu tư. Tiếp tục đổ hàng tỷ đồng vào đầu tư, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đồng tiền ảo đã mất giá thê thảm, anh Sơn đứng trước nguy cơ vỡ nợ. “Nhìn lại toàn bộ sự việc, với mức lợi nhuận quảng cáo từ 2%/ngày tương đương tới hơn 700%/năm tôi mới nhận ra, chẳng có doanh nghiệp nào kinh doanh lãi đến vậy, chỉ là họ lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi tham gia vào mô hình này, để tăng thêm mức lợi nhuận mỗi ngày thì mỗi người chơi sẽ phải phát triển thêm nhánh, dụ dỗ thêm người khác đầu tư”, anh Sơn nói.
Được bạn mời đầu tư với những lời cam kết, chị Nguyễn Thị Liên, trú tại Tân Tạo, quận Bình Tân, T.P Hồ Chí Minh tin tưởng gom toàn bộ tiền trong nhà được hơn 435 triệu đồng đầu tư vào tiền ảo. Chưa đầy một tháng sau, lãi chưa thu về đồng nào thì sàn đã sập, chủ sàn biến mất, không thể liên lạc. Xót của, chị Liên đổ bệnh phải nhập viện cấp cứu. Theo chị Liên, mình chỉ là một trong số hàng trăm người bị lừa, đã lên tiếng tố cáo bị sàn giao dịch chiếm đoạt tiền, người đầu tư nhiều nhất là vài tỷ đồng, người ít nhất cũng 1.000 USD.
Triệt phá sàn giao dịch ngoại hối nghìn tỷ
Ngày 22-6, Công an T.P Hải Phòng thông tin bước đầu kết quả chuyên án đấu tranh triệt xóa sàn giao dịch ngoại hối trái phép trên không gian mạng. Theo đó, cơ quan công an xác định Nguyễn Thế Dương, 25 tuổi, giám đốc Công ty TNHH MTV ANT Group nhờ Nguyễn Văn Quyền, 38 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm, T.P Hà Nội thiết lập sàn giao dịch ngoại hối mang tên Hitoption.net. Nhà đầu tư tham gia đặt cược theo tỷ giá lên, xuống của các cặp tiền điện tử trong khoảng thời gian 30 giây, nếu dự đoán đúng thì được hưởng 95% tiền đặt cược, nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể tự chơi hoặc ủy thác cho robot của sàn cung cấp tự động chơi với lãi suất được các đối tượng cam kết từ 6-15%/tháng. Trong vòng 100 ngày, người chơi có thế rút gốc và lãi. Khi người chơi giới thiệu người chơi mới tham gia thì được hưởng 1,5% tiền hoa hồng. Sau khi thành lập sàn Hitoption.net, Dương là người tổ chức, điều hành hoạt động của sàn, quảng cáo đây là sàn xuất xứ Anh quốc, cam kết lãi suất ổn định từ 6 đến 15%/tháng. Người chơi có thể rút tiền vốn và lãi về bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi người đầu tư yêu cầu rút tiền thì Dương không cho rút và điều chỉnh chế độ chơi tự động làm cho những người đầu tư liên tục bị lỗ dẫn đến hết tiền trên tài khoản.
Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan Công an Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thế Dương và Nguyễn Văn Quyền để điều tra về hành vi phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Mở rộng chuyên án, cơ quan điều tra phát hiện nhóm này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo; trích suất sơ bộ 16 sàn giao dịch điện tử khác do những người này quản trị, xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật Mạnh Thắng cho biết: Hiện mới chỉ có Ngân hàng Nhà nước ra văn bản khẳng định tiền kỹ thuật số không phải là công cụ thanh toán được chấp nhận tại Việt Nam và Bộ Công an khuyến cáo rủi ro với người dân khi đầu tư vào tiền ảo. Vì vậy, xảy ra tình trạng khi nhà đầu tư bỏ tiền vào loại tài sản này thì cũng không có quy định cấm hay hướng dẫn, thừa nhận đó có phải tài sản hay không. Chính vì vậy, để xử lý cũng rất khó khăn. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro khi tham gia đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo chưa được pháp luật quy định.
Văn Hóa