Rạng rỡ Trường Sa (28/04/2011)

Tình người ở Trường Sa

Hai tiếng “Trường Sa” đối với mỗi chúng tôi thật thiêng liêng và cuốn hút. Xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào lúc chiều muộn, sau hai đêm một ngày, con tàu 936 của Hải quân nhân dân Việt Nam đưa đoàn công tác chúng tôi đến đảo đầu tiên, đảo chìm Đá Lớn ở vùng bắc huyện Trường Sa. Năm nay thời tiết hơi lạ, đã đến cuối tháng tư mà vẫn còn những đợt gió mùa đông bắc tràn về làm biển động. 37 tiếng đồng hồ trên tàu với sóng gió cấp 5, khi thì những con sóng biển đầu bạc đùa nghịch ùa nước tràn lên boong tàu, khi thì những con sóng lừng trông có vẻ hiền hòa nhưng như những bà vợ chứa đựng bao điều “tâm sự” với chồng mỗi khi hờn dỗi vần vũ con tàu làm hơn nửa số người trên tàu say sóng… Ngày thứ ba, khi bình minh lên, thấy đảo Đá Lớn phía chân trời, ai nấy đều quên hết mệt nhọc mà chạy lên boong chào đảo. Trường Sa thân thương ơi, chúng tôi đã đến đây!...

Ra Trường Sa, đến bất kỳ đảo nào, đoàn công tác của chúng tôi cũng được đón tiếp niềm nở, chân tình. Biết nước ngọt là của quý ở đảo, khi thấy anh em chiến sĩ mang những chậu nước ngọt ra mời rửa mặt mà lòng không nỡ. Ngủ ở đảo Sơn Ca một đêm, lại trằn trọc khi thấy anh em mình rải chiếu ra sàn nhà ngủ, nhường giường cho mình. Có đi mới biết, các chiến sĩ bộ đội hải quân nhà mình tận tình và chu đáo lắm. Ở trên tàu, thấy anh em đi xiêu vẹo chống chọi với sự nghiêng ngả của con sóng để nấu nướng, để chuyển cơm mà thương; đến khi xuống xuồng, lên xuồng để vào đảo, để lên nhà giàn DK 1, anh em quên cả bản thân để đỡ, để đón khách thì nhiều người cảm động rơm rớm nước mắt, nhất là khi xuống xuồng từ nhà giàn DK 1.7, lo lắng cho sự an toàn, các chiến sĩ làm nhiệm vụ đã chẳng còn ngại ngần kết vòng tay lại để hứng, để “bế” mấy cô văn công trong sự thán phục của mọi người…

Nhưng những chuyện này thực là chuyện nhỏ khi chúng tôi lên đảo và được chứng kiến mối quan hệ máu thịt giữa quân và dân trên các đảo ở Trường Sa. Chúng tôi đã đến thăm một số gia đình ngư dân, trong đó có gia đình các anh chị Nguyễn Văn Trung, Lương Thị Tình, Nguyễn Xuân Yên, Trần Thị Hoa, Võ Văn Trường, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Thị Kim Huệ… ở thị trấn Trường Sa. Anh Yên cho biết, quân và dân trên đảo không quen chuyện mua, bán mà chỉ có sự giúp đỡ nhau thực lòng. Không chỉ là mớ rau, con cá đâu, bộ đội giúp dân nhiều lắm, không chỉ nhà các anh mà các nhà dân ở đây đều được giúp làm nhà vững chãi, chia sẻ những bao đất trồng rau, khám chữa khi có bệnh, giúp con trẻ học bài. Ngày 16-5-2009, công dân đầu tiên của huyện đảo Trường Sa đã chào đời tại xã đảo Song Tử Tây, dưới sự trợ giúp hết lòng của các chiến sĩ quân y. Đến ngày 4-4-2011, các bác sĩ quân y Bệnh viện 175 và kíp mổ của BS Hồ Xuân Lãng, BS Nguyễn Hà Ngọc, BS Vũ Đăng Quyền đã thực hiện thành công ca sinh mổ đầu tiên ở Trường Sa cho chị Nguyễn Thanh Thúy… Ngoài ra, còn hàng trăm trường hợp cấp cứu của các hộ dân trên đảo, của các ngư dân của các tỉnh đang đánh cá ngoài biển phải cấp cứu, đã được các chiến sĩ quân y trên các đảo cứu chữa kịp thời, thậm chí hiến cả máu nếu cần; rồi trợ giúp lương thực, nước ngọt, đưa về đất liền… Vậy nên, tình cảm quân, dân trên các đảo ở Trường Sa mỗi ngày một thêm gắn bó, nghĩa tình. Mỗi năm, có hàng chục đoàn khách ra thăm đảo và cùng đó là hàng chục đoàn văn công, nghệ thuật từ đất liền ra biểu diễn, mang hơi ấm của tiếng hát chèo, quan họ, cải lương của các đoàn nghệ thuật trong cả nước ra với nhân dân và chiến sĩ nơi đảo xa. Cùng đó, đến nay, mạng điện thoại di động, sóng truyền hình, sóng đài phát thanh đã phủ kín các đảo. Sách báo, thư từ ra đảo cũng thường xuyên hơn. Tình người ở Trường Sa, ở Trường Sa với đất liền, đất liền với Trường Sa do vậy thật gần gụi, nồng ấm.

Cuộc sống mới ở Trường Sa

Những khó khăn của quân và dân huyện đảo Trường Sa, ngay từ trong bờ chúng tôi đã hiểu phần nào trong những câu chuyện, những lần gặp gỡ các CCB Hải quân ở nhiều vùng miền đã từng tham gia chiến đấu giải phóng Trường Sa tháng 4-1975 và bảo vệ Trường Sa trong suốt những năm qua. Bên cạnh những chiến công vang dội của bộ đội hải quân là những khó khăn kéo dài nhiều năm liền trong cuộc sống của những con người nơi đây như thiếu nước ngọt, không có điện sinh hoạt, không thư từ, không ti vi, không đài, thiếu sách báo, thiếu rau, thiếu thịt, thiếu bóng cây xanh, thiếu vắng tiếng phụ nữ, thiếu vắng tiếng trẻ bi bô học bài… đã ăn sâu trong tâm trí của bao lớp CCB từng là cán bộ, chiến sĩ hải quân đã từng sống, chiến đấu ở nơi đầu sóng, ngọn gió này.

Mang những kỷ niệm ấy từ đất liền ra Trường Sa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sức sống mới nơi đây, từ các đảo nổi Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn đến các đảo chìm Đá Lớn, Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát, Cô Lin, Đá Tây và nhà giàn DK1. Giữa đại dương mênh mông với sóng, với gió và bao gian truân vất vả nhưng cũng đầy thi vị, cả đoàn chúng tôi như không tin vào mắt mình khi thấy các đảo nổi của chúng ta nổi lên giữa đại dương như một xóm, một khu phố trong đất liền mọc lên giữa biển; đặc biệt khi chiều về, giữa đại dương xanh thẫm, các đảo được nắng chiều chiếu sáng, như được dát vàng, dát bạc; như những thiên đường trong cổ tích hiện về. Đảo nào cũng xanh bóng cây. Thấp thoáng trong những rặng cây bàng vuông, bàng xoài, phong ba, bão táp, muống biển là những ngôi nhà ngói đỏ. Những năm gần đây, cuộc sống của bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 đã được cải thiện đáng kể. Xung quanh các đảo, đã được kè kín bằng xi măng để đương đầu với sóng gió, đảo nào cũng có hệ thống đèn điện cao áp năng lượng mặt trời chiếu sáng suốt đêm, có hệ thống ăng-ten thu sóng đài phát thanh, ti vi, điện thoại di động phục vụ cho các hộ gia đình và bộ đội. Nguồn điện sinh hoạt và chiếu sáng dùng năng lượng mặt trời và năng lượng gió – nguồn năng lượng như vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho Trường Sa được Đảng bộ, nhân dân TP Hồ Chí Minh; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các địa phương và nhân dân cả nước hết lòng giúp đỡ, ủng hộ với công sức, nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng để lắp đặt, khai thác hiệu quả, “kéo” Trường Sa gần hơn rất nhiều với đất liền; những thiết bị điện “xa xỉ” một thời như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, nồi cơm điện… đến nay bộ đội và nhân dân đã có thể sử dụng như trong đất liền. Ngành y tế tuyến đảo ở đây đã có thể sử dụng các thiết bị y tế hiện đại để khám, chữa bệnh cho nhân dân, không còn phải chờ chuyển vào đất liền như trước. Nhìn lũ trẻ nô đùa chạy vòng quanh đảo trên những bờ kè, xung quanh là biển nước sóng vỗ rì rào dưới ánh trăng, ai cũng vui náo nức.

Chuyện về Trường Sa có nhiều, nhưng nổi nhất vẫn là chuyện người dân và các chiến sĩ hải quân ở đây khắc phục mọi khó khăn của thời tiết, của sóng gió để vươn lên trong cuộc sống. Ai cũng biết, ở Trường Sa cực kỳ thiếu đất, thiếu nước ngọt nên cũng rất thiếu rau xanh, mà rau xanh là thứ rất khó để mang từ đất liền ra được, trừ bầu, trừ bí đỏ, bưởi. Bộ đội và ngư dân của ta rất giỏi, khắc phục thiếu rau bằng cách… trồng rau; trồng trong những hầm, chậu lộ thiên với bờ che cao hàng mét, dùng nước ngọt hứng từ những cơn mưa qua một vài công đoạn để đến công đoạn cuối là tưới rau. Không ai bảo ai, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân khi ra công tác ở đảo, hoặc khi trả phép từ đất liền đều mang theo người hàng cân hạt rau các loại và ớt, hạt tiêu, rau húng… vậy nên, bộ đội đã có thể đảm bảo mức tối thiểu về rau xanh; ngoài ra còn nuôi bò ở đảo lớn như đảo Song Tử Tây, nuôi chó hàng chục con mỗi đảo để canh gác người lạ và cải thiện bữa ăn chiến sĩ, nuôi vịt, nuôi gà… Khi lên thăm nhà giàn DK 1.7 ở khu vực Huyền Trân, đoàn công tác chúng tôi ai cũng muốn được cùng các chiến sĩ tham gia câu cá biển. Ngay dưới chân nhà giàn, những đàn cá kiếm, cá mú, mỗi con có đến hàng ki-lô-gam bơi lội dày đặc ngay dưới chân nhà giàn như trong ao nhà… Bỗng nhiên, tôi nghĩ đến ông cha ta ở Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, nghĩ đến các chiến sĩ của Đoàn tàu không số. Không biết từ năm 1961 đến 1975 với hơn 2.000 lượt chiếc tàu, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 8 vạn lượt người, 15 vạn tấn vũ khí, hàng vạn tấn hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, các bác, các anh các chị đã đi qua vùng biển này bao nhiêu lần rồi… Nhìn đàn cá, thấy tài nguyên biển nước ta còn nhiều lắm, chúng ta còn phải làm nhiều lắm, để khai thác, giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải biển đảo Tổ quốc thân yêu…

Hầu như chưa bao giờ tôi hát, vậy mà trên tàu, tôi đã hát bài hát “Hành khúc Trường Sa” như đã ngấm vào máu thịt của mình: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa…”.

Tháng Tư năm 2011

Ghi chép của LÊ DOÃN CHIÊU