Rà soát lại Chiến lược phòng chống lao đến năm 2020 (25/03/2012)
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phòng chống lao là nhiệm vụ lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới và không thể giải quyết ngày một ngày hai. Đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được trong 5 năm qua của Chương trình phòng chống lao quốc gia, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc Chương trình đã triển khai điều tra hiện trạng lao toàn quốc, làm cơ sở hoạch định chính sách và hợp tác quốc tế. Đồng thời, đã hình thành hệ thống phát hiện và điều trị lao ở tất cả các cấp, phủ tất cả các xã là thành tựu rất quan trọng, hình thành các cơ sở xét nghiệm ở cấp vùng; huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ người mắc lao trên 100.000 dân không ngừng giảm trong 5 năm qua. Việt Nam đã triển khai phòng chống lao từ những năm 1956-1957 đến nay, nhưng do điều kiện của chiến tranh và xuất phát điểm kinh tế-xã hội nên hiện nước ta vẫn nằm trong danh sách 22 nước có gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Đây là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội, khi có người bị bệnh lao thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Vì vậy, yêu cầu có một chương trình mới phát huy kết quả cũ, đồng thời có hiệu quả hơn trong bối cảnh tài trợ quốc tế giảm là hết sức cấp bách.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong nguồn kinh phí hiện có, phải dành ưu tiên hơn cho phòng chống lao. Đồng thời, sử dụng kinh phí có hiệu quả hơn và tập trung cho những vùng có tỷ lệ bị lao nhiều nhất cả nước, vì thống kê sơ bộ cho thấy 60% bệnh nhân lao cả nước tập trung tại 27 tỉnh. Ngoài ra, chính quyền các địa phương kinh tế phát triển nhanh có thể chủ động tăng kinh phí cho phòng chống lao. Đặc biệt lưu ý đến công tác truyền thông để người dân và toàn xã hội nhận thức đúng về thực trạng, căn nguyên và mức độ nguy hiểm của bệnh lao, từ đó mỗi người tự ý thức phòng chống căn bệnh này và huy động được tốt hơn nguồn lực xã hội tham gia vào phòng chống lao. Mặt khác, cần chọn lọc, ứng dụng công nghệ cao làm cho việc chữa trị hiệu quả hơn, với tổng chi phí thấp hơn. Phó Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến tháng 6/2012, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan rà soát lại Chiến lược phòng chống lao đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 1/3 dân số thế giới đã nhiễm lao. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,2 đến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm. Việt Nam hiện xếp thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới, xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 180.000 người mắc và gần 30.000 người chết do bệnh lao. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao, ước tính khoảng 5.000 - 6.000 người.
Tại hội nghị, PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi TW cho biết: Giai đoạn 2007 - 2011, Chương trình Chống lao quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu như: mỗi năm phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao và đã chữa khỏi cho 92% số bệnh nhân này; đặc biệt xu hướng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới trên 100.000 dân giảm 1,7% hàng năm, bệnh nhân lao các thể giảm 0,8% hàng năm. Bên cạnh đó, Chương trình chống lao đã bao phủ 100% vùng lãnh thổ; cải thiện hoạt động phát hiện với trọng tâm là chẩn đoán lao phổi AFB (+) bằng kỹ thuật soi đờm trực tiếp, triển khai các hoạt động chẩn đoán lao trẻ em; áp dụng điều trị công thức 8 tháng có kiểm soát (DOTS) với phác đồ thứ nhất cho bệnh nhân lao mới đạt tỷ lệ khỏi bệnh trên 90% và phác đồ lao thứ hai cho bệnh nhân tái phát và thất bại với tỷ lệ khỏi đạt trên 80%...
Tuy nhiên hiện nay, công tác phòng chống lao tại Việt Nam vẫn dựa trên việc phát hiện thụ động với người nghi lao có triệu chứng ho khạc đờm trên 2 tuần. Theo kết quả điều tra, chỉ có 53% những người được phát hiện lao phổi AFB (+) có triệu chứng ho khạc đờm trên 2 tuần. Như vậy, một lượng lớn các bệnh nhân lao được phát hiện trong điều tra không được phát hiện tại các cơ sở của Chương trình Chống lao quốc gia. Cũng theo kết quả điều tra dịch tễ cho thấy có 41% những người nghi có triệu chứng đã đến cơ sở y tế khám; các cơ sở y tế thường được người dân đến khám đầu tiên là nhà thuốc, trạm y tế xã, bệnh viện công và y tế tư. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của nhà thuốc trong công tác phát hiện bệnh nhân mắc lao. Bên cạnh đó, công tác phòng chống lao vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chưa triển khai thống nhất được mô hình chống lao tuyến huyện; thiếu nguồn nhân lực cho công tác chống lao trong trại giam; tỷ lệ lao, lao kháng thuốc, HIV trong trại giam cao; năng lực của các phòng xét nghiệm vùng sâu, vùng xa vẫn còn yếu kém; chưa có hệ thống thông tin xét nghiệm quốc gia tốt...
Để hoạt động phòng chống lao hiệu quả hơn, thời gian tới, chương trình Chống lao quốc gia tiếp tục tăng cường phát hiện sớm và nhiều nhất tất cả các thể lao; đảm bảo cung cấp và tiếp nhận dịch vụ DOTS chất lượng cao tại các tuyến của hệ thống y tế; giải quyết vấn đề lao/HIV, lao đa kháng thuốc, lao trong trại giam và các Trung tâm 05-06...; duy trì tỷ lệ điều trị khỏi cao; phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc bằng mức năm 2010 và thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030./.
Chí Đức