Quyết liệt phòng chống tội phạm và gian lận thương mại
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh trong những thành tựu to lớn của đất nước năm 2017 có sự đóng góp quan trọng của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ở cả Trung ương và địa phương. Các ban đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương.
Đề cập đến công tác phòng, chống tội phạm, Phó Thủ tướng nêu rõ: Đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, làm giảm 3,02% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2016. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 80,41%, tăng 2,47%. Đã điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ trọng án giết người, cướp tài sản, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 226.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp NSNN đạt hơn 23.000 tỷ (tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với năm 2016), 2.118 đối tượng (tăng 13,69% so với năm 2016).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đó là việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở một số cơ quan, địa phương còn chưa nghiêm túc, còn mang tính hình thức; công tác nắm và dự báo tình hình trong một số trường hợp còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn, còn để xảy ra những điểm nóng; các lực lượng, các địa phương chưa chủ động trong việc phối hợp cung cấp thông tin, hiệp đồng tác chiến; kỷ cương, kỷ luật hành chính nhiều nơi chưa nghiêm, bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
“Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm sử dụng công nghệ cao như đánh bạc qua mạng xuyên quốc gia lên đến hàng nghìn tỷ đồng, điển hình như Công an tỉnh Phú Thọ đã phá vụ án đánh bạc qua mạng thu được trên 1.000 tỷ đồng; tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu... vẫn diễn ra phức tạp; có nơi, có lúc tội phạm hình sự hoạt động ngang nhiên “lộng hành”, gây bức xúc trong dư luận; việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Chỉ ra những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng cho rằng, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số nơi, một số ban, bộ, ngành còn chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật. Trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chuyên trách, người đứng đầu chưa cao, còn biểu hiện bao che, thậm chỉ “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật; chưa kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm.
“Cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan chức năng còn bất cập, chưa hiệu quả. Sắp tới, Ban Chỉ đạo sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, kể cả hoạt động bí mật đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi cấu kết, bao che tội phạm, dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Cơ chế này sẽ được đẩy mạnh, giám sát bí mật chứ không chỉ đến nghe báo cáo mà thôi. Lãnh đạo các bộ, ngành phải tăng cường đi kiểm tra để nắm bắt sát sao hoạt động của ngành mình”, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh 8 nội dung lớn cần quyết tâm thực hiện.
Một là, tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Xác định công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương; gắn với phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong nhân dân. Đồng thời các địa phương cần có nhiều chính sách tăng cường xoá đói giảm nghèo để người dân không tiếp tay cho buôn lậu, nhất là bà con các dân tộc thiểu số khu vực biên giới. Trừng trị nghiêm minh các chủ đầu nậu, đường dây lớn trong công tác chống buôn lậu. Nếu vì miếng cơm manh áo mà người dân lỡ tham gia vào vận chuyển cho các đầu nậu thì cần xem xét giảm nhẹ, đồng thời tạo công ăn việc làm để bà con không bị lôi kéo nữa.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này. Đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dụng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm.
Hai là, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong quản lý Nhà nước, như: Sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ba là, tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước, không để xảy ra bị động, bất ngờ; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, đối ngoại của đất nước. Trước mắt, tiếp tục tập trung mọi nỗ lực, thực hiện tốt đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí, nhất là thông qua mạng internet trong việc đấu tranh lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và quản lý, giáo dục người có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, phối hợp, đánh giá tình hình, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân trong công tác này.
Năm là, nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em, chống người thi hành công vụ, tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là tội phạm khủng bố, ma túy, mua bán người, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. Xác lập các chuyên án lớn về chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát…
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần tăng cường quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong công tác phòng chống tội phạm; xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan khi tham gia phối hợp. Cơ quan điều tra cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Sáu là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người đến năm 2020 của Chính phủ. Nghiên cứu, đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm (giai đoạn 1998-2018). Triển khai và thực hiện tốt Tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và địa phương. Sớm hoàn thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu trong công tác này, gộp hai bộ tiêu chí này làm một để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Bộ Công an và các bộ xác lập các chuyên án lớn, đánh đúng, đánh trúng các ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm buôn lậu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc lá, tân dược…
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách; có biện pháp thu đủ, kịp thời về ngân sách số tiền bị thất thoát.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng và địa bàn trọng điểm để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vì sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không để xảy ra các vụ việc vi phạm kéo dài nhưng đến khi người dân phản ảnh thì lực lượng chức năng mới vào cuộc (như vụ Khai Silk; vụ cắt tai, mài vỏ bình gas, kinh doanh gas giả, kém chất lượng, chiết nạp gas trái phép...).
Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới đường bộ, đường biển để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là các mặt hàng như ma túy, xăng đầu, khoáng sản, thuốc lá, gỗ, hàng tiêu dùng…
Bảy là, các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh gọn bộ máy, tổ chức các đơn vị chuyên trách công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ, việc đánh giá cán bộ, bổ nhiệm cán bộ. Phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ “kỷ cương, liêm chính, công minh, tuân thủ pháp luật”.
Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu để xem xét, sắp xếp lại một số Ban Chỉ đạo liên ngành hiện nay. Phó Thủ tướng đặt vấn đề, như Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có sáp nhập được hay không, cần nghiên cứu kỹ càng, đánh giá tác động, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao, từ đó xem có khả năng sáp nhập 2 Văn phòng Ban Chỉ đạo hay không để tinh gọn đầu mối nhưng phát huy được hiệu quả hoạt động.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết “không có vùng cấm” trong công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Cùng với việc xử lý các vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đang quyết tâm thực hiện chống nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, hiện tượng cứ đòi phong bì thì mới giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết không để tình trạng một số cán bộ có vi phạm thì các cơ quan bắt tay với nhau để “cho qua”.
Tám là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về phòng, chống tội phạm. Chủ động đàm phán các Hiệp định về dẫn độ tội phạm, giúp cho việc truy nã, dẫn độ về nước các tội phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài thuận lợi hơn.
VPCP