Quyết định thiếu trách nhiệm
Một đặc công Ukraine nhặt một phần chưa nổ của quả bom chùm còn sót lại ở khu vực Kiev.
Với lý do quân đội Ukraine “đang cạn đạn dược”, ngày 7-7, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã quyết định cung cấp đạn chùm cho Ukraine. Quyết định được ông Biden mô tả là “rất khó khăn”. Quyết định này bị nhiều nước và tổ chức quốc tế chỉ trích khi rõ ràng nó là một quyết định thiếu trách nhiệm nếu không nói là vô nhân đạo.
Đạn Thông thường cải tiến đa dụng (DPICM) được Mỹ công bố viện trợ cho Ukraine trong gói viện trợ lần thứ 42 kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine là loại đạn pháo được thiết kế nhằm phát tán đạn con trên khu vực rộng lớn, thường dùng để chống lại tăng thiết giáp và gây sát thương cho bộ binh.
Tất nhiên, quyết định này của Mỹ sẽ khiến Ukraine vui hơn ai hết. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - Oleksii Reznikov nhận định: Đạn chùm mà Mỹ viện trợ có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát. Ông Reznikov tuyên bố quân đội Ukraine sẽ “kiểm soát chặt chẽ”quy trình sử dụng đạn chùm, không bắn vào khu vực đô thị mà chỉ dùng để công phá phòng tuyến của Nga. Ngoài ra, Ukraine sẽ không nã đạn chùm vào “lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận”.
Thế nhưng, cam kết từ phía Ukraine cũng chỉ nên được hiểu là những lời nói dùng trong ngoại giao chứ không phải trong chiến đấu bởi khi đó kết quả của hành động sẽ thường được dùng để bào chữa cho hành động để đạt được mục đích dù hành động đó là vô nhân đạo. Dù Mỹ cho biết CPICM (bắt đầu được phát triển từ những năm 1950) “hiệu quả cao và đáng tin cậy” nhưng nó vẫn là đạn chùm, loại đạn đang được nhiều quốc gia và tổ chức vận động không sản xuất, tàng trữ, sử dụng hay chuyển giao theo Công ước cấm bom đạn chùm (CCM). Bom, đạn chùm thường được thiết kế với tỷ lệ đạn con không nổ cao tới 40% tại thời điểm được sử dụng. Do vậy, chúng là nguyên nhân chính khiến nhiều vùng đất đai bị bỏ hoang và trẻ em, thường dân bị thương tật hoặc thiệt mạng cả trăm năm sau khi chiến tranh kết thúc. Các nỗ lực rà phá bom, đạn chùm do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Lào trong nhiều năm qua là minh chứng cho hậu quả khôn lường của loại bom đạn chết chóc này.
Chính vì tính vô nhân đạo của bom, đạn chùm, nên ngay sau khi ông Biden đưa ra quyết định trên, ít nhất 38 tổ chức nhân quyền công khai phản đối. Tổng thư ký Liên Hợp quốc - Antonio Guterres, một số đồng minh của Ukraine, trong đó có Tây Ban Nha và Anh, phản đối nước này sử dụng đạn chùm trong giao tranh do nguy cơ khiến dân thường thiệt mạng và để lại hậu quả nghiêm trọng sau chiến sự.
Quyết định của Mỹ vừa đi ngược lại với cam kết của chính nước này trước đó, đồng thời cũng khiến các đồng minh của Mỹ im lặng, đây là một trong những nguyên nhân có thể khiến ông Biden chần chừ khi đưa ra quyết định. Năm 2009, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm triển khai hoặc chuyển giao bom, đạn chùm có tỷ lệ đạn con không nổ cao hơn 1%, nên dù được phép, nhưng vẫn trái với tinh thần nhân đạo, đồng thời chẳng ai có thể bảo đảm tỷ lệ không nổ sẽ thấp như mong đợi…
Quyết định khó khăn là vậy nhưng ông Biden vẫn phải đặt bút ký. Hành động này chỉ có thể được giải thích bởi Ukraine đang rất cần đạn và Mỹ cũng không còn đủ đạn thông thường để viện trợ cho Ukraine nên đành phải dùng đến DPICM. Vậy nên ông Biden đưa ra quyết định, dù nó có bị lên án là vô đạo đức và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - Maria Zakharova bình luận rằng đó là “hành động tuyệt vọng” của Mỹ.
Lập luận trên cũng logic khi chính đạn chùm đã được cả Nga và Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột từ khi nó bắt đầu vào tháng 2-2022. Nhiều báo cáo từ các tổ chức độc lập hay từ phía Nga và Ukraine cho thấy cả hai bên tham gia xung đột đã sử dụng loại vũ khí bị lên án này trên nhiều chiến trường với tỷ lệ không nổ từ 20 đến 40% và ước tính chi phí tài chính để xử lý bom, đạn chùm không nổ khi xung đột kết thức ít nhất là hơn 70 tỷ USD.
Khi cả hai bên đều sử dụng bom, đạn chùm trong chiến sự và kết quả cho thấy Nga vẫn đang chiếm ưu thế trên chiến trường thì việc Mỹ quyết định viện trợ đạn chùm cho Ukraine không phải là hành động có thể thay đổi cán cân quân sự hay tạo sự đột biến. Quyết định trên của chính quyền Biden chỉ để giải quyết thế bí của Mỹ trước yêu cầu của Ukraine mà bỏ qua hậu quả của loại vũ khí vô nhân đạo này với thường dân trong và sau chiến sự.
Thanh Huyền