Quyết định khó khăn
Việc tăng tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 cần được thúc đẩy song hành cùng bảo đảm phân phối vaccine công bằng trên toàn cầu.
Trong một động thái bất ngờ, ngày 5-5, chính quyền Tổng thống MỹJoe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19, với mục địch thế giới sẽ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 nhanh hơn, nhiều hơn để sớm khống chế đại dịch. Nhưng quyết định gặp không ít khó khăn và thực tế thì để có thêm nhiều vaccine còn khó khăn hơn.
Với quyết định trên, Mỹ đã thể hiện mình lắng nghe đề xuất của các nước khác bởi trước đó, ngày 2-5, Nam Phi và Ấn Độ đã nộp văn bản đề xuất cấp miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Bên cạnh đó, chính Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến trên của Pretoria và New Delhi.
Thế nhưng, quyết định trên của Mỹ “không qua được vòng lý thuyết” bởi chính các chính sách của Mỹ đã mâu thuẫn với quyết định này. Theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng mới nhất của chính quyền Mỹ, việc xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa Covid-19 từ Mỹ không được phép tiến hành. Với tư cách là nước có nhiều nguyên liệu để sản xuất vaccine nhưng nguyên liệu này không được xuất khẩu cho nước khác thì chẳng khác nào có xe mà không có xăng để vận hành. Đã thế, số quốc gia và công ty trên toàn cầu có đủ năng lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Phát biểu trước khi Mỹ tuyên bố quyết định trên, tỷ phú Bill Gates cho biết: "Chỉ có vài nhà máy sản xuất vaccine trên toàn thế giới nơi mọi người tuân thủ nghiêm túc quy định an toàn”.
Đó là “lý thuyết”. Còn “thực hành” thì sao? - Khó khăn hơn nhiều, khi Liên minh châu Âu (EU) - “nhà thuốc” của thế giới không mặn mà với quyết định của Mỹ. Tính đến ngày 8-5, khoảng 400 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sản xuất tại các nước EU và 50% (200 triệu liều) đã được xuất khẩu ra 90 quốc gia khác nhau trên thế giới.
Những con số trên cho thấy, EU mới là bên nắm thế thượng phong trong việc có nên tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine phòng Covid-19 hay không. Thực tế là, ngày 8-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - Ursula von der Leyen thông báo lãnh đạo các nước thành viên EU tạm thời chưa đưa ra quyết định vì cho rằng còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét.
EU có cái lý của mình. Chủ tịch EC đánh giá đây là một chủ đề quan trọng nhưng cần được bàn bạc trong dài hạn, không thể trong trung hay ngắn hạn. Trong khi đó, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron cho rằng đây không phải là giải pháp có thể giúp tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu. Về phần mình, Thủ tướng Đức - Angela Merkel đã kêu gọi Mỹ tăng cường xuất khẩu vaccine phòng Covid-19 được sản xuất tại nước này, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi ủng hộ việc miễn quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với những vaccine này. Bà Merkel cho rằng,đã đến lúc Mỹ xem xét việc trao đổi miễn phí các nguyên liệu và mở cửa thị trường vaccine sau khi nước này đạt được những tiến bộ quan trọng trong chương trình tiêm phòng Covid-19.
Quyết định của EU có cơ sở thực tế hơn… Quyền sở hữu trí tuệ vốn để thúc đẩy sáng tạo và điều cần thiết lúc này, theo bà Angela Merkel, là thế giới cần thúc đẩy khả năng sáng tạo và năng lực đột phá của các công ty dược (bao gồm đảm bảo quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ) để tiếp tục khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu các phương thuốc mới ngăn ngừa biến thể của virus SARS-CoV-2. Quan trọng hơn, việc tiếp cận công bằng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu cần được bảo đảm. Thực tế đáng buồn, theo thống kê của hãng tin AFP là gần 1,25 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm tại ít nhất 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 45% trong số đó đã được sử dụng tại những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.
Quyết định phân phối công bằng vaccine Covid-19 từ các nước giàu xem ra mới là quyết định khó khăn nhất.
Thanh Huyền