Quyền con người không phải chỉ là quyền cá nhân
*Người phát Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng công bố sách trắng về quyền con người của Việt Nam, ngày 18-1-2018.
*
Trong Sách trắng về quyền con người năm nay, ngoài thành tựu về các quyền dân sự, chính trị, xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương..., “Sách trắng” còn công bố 7 hướng ưu tiên. Đó là: Tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân; Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội ưu tiên vào công tác xóa đói giảm nghèo; Nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với các loại hình an sinh xã hội; Cải thiện chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục về quyền con người của người dân và các cơ quan thực thi pháp luật; Thúc đẩy bình đẳng giới; Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội được chăm sóc ngày càng đầy đủ hơn về thể chất và tinh thần của người dân; Tăng cường hợp tác về QCN với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức khu vực và toàn cầu.
Đây là bước tiến vượt bậc về thực hiện Quyền con người của Đảng và Nhà nước ta đã được cộng đồng Quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, lại vẫn có những người cố tình xuyên tạc, bôi nhọ thành tựu trong bảo vệ Quyền con người của Đảng và Nhà nước ta.
Điển hình là tổ chức có tên “Cứu vớt lương tri” do Phan Văn Lợi cầm đầu, ra “Tuyên bố về Nhân quyền Việt Nam 2018” phát tán trên mạng xã hội. Họ cho rằng: “Các đạo luật sửa đổi vừa qua chỉ theo ý Đảng, chứ không theo lòng dân”, rồi lên tiếng bảo vệ những kẻ có những hành vi tuyên truyền xuyên tạc bản chất chế độ, chống phá Nhà nước, làm rối loạn cuộc sống bình yên của nhân dân, đã bị cơ quan bảo vệ pháp xét xử, như nhóm thanh niên treo cờ vàng ở An Giang; những “nhà dân chủ” giả hiệu vi phạm pháp luật bị xét xử: Nguyễn Quang Thanh, Tạ Tấn Lộc, Phạm Kim Khánh, Nguyễn Văn Oai...
Về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, họ xuyên tạc, bóp méo, và cho rằng “đó chỉ là cuộc đấu đá nội bộ, thanh trừng phe nhóm...”.
Không phủ nhận rằng trong nhiều thời kỳ lịch sử đã qua, do điều kiện chiến tranh kéo dài và do nhận thức về Quyền con người còn phiến diện, nên không phải không có những giai đoạn quyền con người ở nước ta chưa được thực hiện một cách tốt nhất, nếu như không muốn nói có những quyền chưa được coi trọng, thậm chí bị cấm, như việc xóa bỏ một số thành phần kinh tế đã làm hạn chế đến quyền tự do làm ăn kinh tế của cá nhân, như giai đoạn thực hiện nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung bao cấp”... Nhưng từ khi thực hiện công cuộc đổi mới mới đất nước (1986) đến nay, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng và Nhà nước ta đã điểu chỉnh đường lối chính trị, kinh tế với Nhà nước pháp quyền XHCN, Quyền con người ngày càng được thực hiện tốt hơn, được thể hiện trong Hiến pháp 2013 của nước ta - dành toàn bộ Chương II, quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” trong hoạt động dân sự, chính trị đến các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa theo những chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế.
Còn cuộc chiến “chống giặc nội xâm” dưới sự lãnh đạo của Đảng, càng về những năm gần đây càng được thực hiện quyết liệt, không có vùng cấm, không “đánh trống bỏ dùi”, làm từ trên làm xuống... đã mang lại nhiều kết quả vượt bậc được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng tình ủng hộ; tuyệt nhiên không phải để củng cố quyền lực của một nhóm người và càng không phải là "thanh trừng nội bộ" như họ cố tình bóp méo sự thật.
Cũng phải phấn mạnh rằng, những người soan thảo cái gọi là “Tuyên bố nhân quyền Việt Nam 2018” đã hiểu một cách phiến diện Luật Quốc tế về Quyền con người.
Luật Quốc tế về Quyền con người là bao gồm cả quyền và lợi ích của cá nhân và quyền và lợi ích của Quốc gia dân tộc.
Ngay tại Điều I - “Công ước quốc tế về các quyền Dân sự Chính trị 1966”, quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình...Các quốc gia thành viên Công ước này... phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc”.
Nghĩa là không phải như mấy nhà dân chủ nửa vời ở nước ta “điếc không sợ súng” lâu nay cứ nói bạt mạng...
TS. Cao Đức Thái*****(Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)*****