Quyền bỏ đặc quyền
Các nghị sĩ hay các nhân vật cao cấp của các quốc gia thường được hưởng quyền miễn trừ - họ sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai phạm. Thế nhưng, không phải quốc gia nào cũng ban cho các nghị sĩ đặc quyền này. Ukraine là một ví dụ.
Ngày 3-9, Quốc hội Ukraine đã lần thứ hai thông qua dự luật tước quyền miễn trừ của các nghị sĩ. Nếu được Tổng thống Ukraine thông qua, dự luật sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2020.
Theo luật mới, các nghị sĩ sẽ bị truy tố hình sự hoặc chịu trách nhiệm pháp lý khác nếu thực hiện hành vi hình sự hoặc hành chính bị truy tố theo pháp luật.
Dự luật trên được thông qua trong bối cảnh có hơn 13 vụ án hình sự chống lại cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, lãnh đạo phe “Đoàn kết với Châu Âu” trong Quốc hội mới, với quan điểm ủng hộ hội nhập châu Âu và trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nếu luật có hiệu lực, quyền miễn trừ của các nghị sĩ sẽ không còn giúp ông Poroshenko tránh bị truy tố. Thế nhưng, không chỉ riêng với ông Poroshenko, bất kỳ các ông nghị nào “nhúng chàm” ở Ukraine cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Đặc quyền miễn trừ một khi bị tước đi sẽ có tính răn đe cao khiến những người có vị trí chính trị cao trong xã hội phải cẩn trọng hơn trong mỗi quyết định của mình.
Nam Long